Danh sách 116 doanh nghiệp kinh doanh vàng sẽ bị kiểm tra tại Hà Nội năm 2024 (Hình từ internet)
Ngày 13/8/2024, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội ban hành Quyết định 382/QĐ-QLTTHN về Kế hoạch kiểm tra chuyên đề chấp hành pháp luật trong kinh doanh vàng trên thành phố Hà Nội năm 2024.
Theo đó, đối tượng, nội dung, thời gian, địa bàn kiểm tra như sau:
- Đối tượng kiểm tra: Các doanh nghiệp sản xuất, gia công kinh doanh mua, bán, sửa chữa vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn thành phố Hà Nội.
(Danh sách cụ thể tên, địa chỉ của các doanh nghiệp dự kiến được kiểm tra và thời điểm kiểm tra dự kiến được thể hiện tại Phụ lục kèm theo Kế hoạch này).
Danh sách |
- Địa bàn kiểm tra: Trên địa bàn các quận, huyện và thị xã thuộc thành phố Hà Nội.
- Nội dung kiểm tra:
+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh;
+ Kiểm tra thực hiện việc niêm yết giá.
+ Kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.
+ Kiểm tra việc thực hiện các quy định về đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa; Tiến hành lấy mẫu kiểm định chất lượng nếu có dấu hiệu vi phạm (nếu có).
+ Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về thương mại điện tử, sử dụng ứng dụng số để kinh doanh.
+ Kiểm tra các quy định khác có liên quan (nếu cần thiết).
- Thời gian thực hiện: Từ ngày 15/8/2024 đến hết ngày 15/10/2024.
Theo Điều 4 Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định nguyên tắc quản lý hoạt động kinh doanh vàng như sau:
- Quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật.
- Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP.
- Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
- Quản lý hoạt động kinh doanh vàng nhằm phát triển ổn định và bền vững thị trường vàng, bảo đảm hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vàng phải tuân thủ các quy định của Nghị định 24/2012/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
- Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
- Hoạt động phái sinh về vàng của các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
- Các hoạt động kinh doanh vàng khác, trừ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng, hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu trong nước của doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ và các hoạt động quy định trên, là hoạt động kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép.
Căn cứ Điều 9 Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ như sau:
- Niêm yết công khai tại địa điểm giao dịch về khối lượng, hàm lượng vàng, giá mua, giá bán các loại sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm bán ra thị trường.
- Chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn chứng từ.
- Tuân thủ các quy định của pháp luật về đo lường.
- Có biện pháp và trang thiết bị bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh.
- Tuân thủ các quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP và các quy định của pháp luật khác có liên quan.