Các trách nhiệm với chủ sở hữu website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam là thương nhân, tổ chức nước ngoài

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
24/10/2024 08:23 AM

Sau đây là các trách nhiệm với chủ sở hữu website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam là thương nhân, tổ chức nước ngoài.

Các trách nhiệm với chủ sở hữu website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam là thương nhân, tổ chức nước ngoài

Các trách nhiệm với chủ sở hữu website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam là thương nhân, tổ chức nước ngoài (Hình từ Internet)

1. Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là gì?

Theo khoản 2 Điều 25 Nghị định 52/2013/NĐ-CP thì website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại. Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm các loại sau:

- Sàn giao dịch thương mại điện tử;

- Website đấu giá trực tuyến;

- Website khuyến mại trực tuyến;

- Các loại website khác do Bộ Công Thương quy định.

2. Các trách nhiệm với chủ sở hữu website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam là thương nhân, tổ chức nước ngoài 

Theo Điều 67a Nghị định 52/2013/NĐ-CP (bổ sung tại khoản 24 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP) quy định về các hình thức hoạt động và trách nhiệm của thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam như sau:

- Thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam là thương nhân, tổ chức có một trong các hình thức hoạt động sau:

+ Website thương mại điện tử dưới tên miền Việt Nam;

+ Website thương mại điện tử có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt;

+ Website thương mại điện tử có trên 100.000 lượt giao dịch từ Việt Nam trong một năm.

- Thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 67a Nghị định 52/2013/NĐ-CP (bổ sung tại khoản 24 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP) thực hiện đăng ký hoạt động thương mại điện tử theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP và thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền của mình tại Việt Nam.

Nội dung hoạt động của văn phòng đại diện hoặc nội dung ủy quyền phải đảm bảo các trách nhiệm quy định tại khoản 5 Điều 67a Nghị định 52/2013/NĐ-CP (bổ sung tại khoản 24 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP).

- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử thực hiện thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hải quan.

- Lượt giao dịch từ Việt Nam được căn cứ từ các nguồn sau:

+ Thương nhân, tổ chức tự nguyện báo cáo theo quy định của Nghị định 52/2013/NĐ-CP;

+ Theo số liệu chính thức của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam gồm: cơ quan hải quan; cơ quan quản lý nhà nước về Internet; cơ quan quản lý nhà nước về ngân hàng, thuế;

+ Theo các báo cáo, thông tin sẵn có, công khai mà cơ quan quản lý nhà nước có liên quan chứng minh được tính xác thực.

- Trách nhiệm của thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam

+ Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc ngăn chặn các giao dịch hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật Việt Nam;

+ Thực hiện các nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam;

+ Thực hiện nghĩa vụ báo cáo theo quy định tại Điều 57 Nghị định 52/2013/NĐ-CP.

3. Quy định về thương nhân, tổ chức nước ngoài bán hàng hóa trên sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam

Theo Điều 67b Nghị định 52/2013/NĐ-CP (bổ sung tại khoản 24 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP) quy định về thương nhân, tổ chức nước ngoài bán hàng hóa trên sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam như sau:

- Thương nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện hoạt động bán hàng hóa theo Quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam.

- Thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam có trách nhiệm xác thực danh tính của thương nhân, tổ chức nước ngoài bán hàng hóa trên sàn giao dịch thương mại điện tử đó, đồng thời lựa chọn thực hiện một trong các trách nhiệm sau:

+ Yêu cầu thương nhân thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam theo quy định của pháp luật;

+ Tổ chức việc thực hiện hoạt động nhập khẩu theo ủy thác của người mua đối với hàng hóa do thương nhân, tổ chức nước ngoài giao dịch trên sàn giao dịch thương mại điện tử;

+ Yêu cầu thương nhân, tổ chức nước ngoài chỉ định đại lý thương mại của mình tại Việt Nam.

- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử thực hiện thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hải quan.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 975

Bài viết về

lĩnh vực Thương mại

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn