Buộc người tiêu dùng thanh toán phần dịch vụ chưa sử dụng có thể bị phạt đến 50 triệu đồng từ 21/02/2025 (Hình từ Internet)
Ngày 21/02/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 24/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 98/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, buôn bán hàng giả, hàng cấm.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Nghị định 98/2020/NĐ-CP (sửa đổi khoản 5 Điều 1 Nghị định 24/2025/NĐ-CP) thì sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Không chỉ định đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam trong trường hợp không có đại diện theo pháp luật tại Việt Nam;
- Không thông báo công khai về đại diện theo pháp luật tại Việt Nam hoặc đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam trong trường hợp không có đại diện theo pháp luật tại Việt Nam theo quy định;
- Yêu cầu người tiêu dùng thanh toán tiền trước khi dịch vụ được cung cấp đến người tiêu dùng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
- Đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc ngừng cung cấp dịch vụ không đúng hợp đồng hoặc trái quy định của pháp luật;
- Không thông báo trước cho người tiêu dùng về thời gian ngừng cung cấp dịch vụ và thời gian cung cấp lại dịch vụ chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày ngừng cung cấp dịch vụ trong trường hợp cần sửa chữa, bảo trì hoặc vì lý do khác, trừ trường hợp bất khả kháng;
- Không thực hiện việc kiểm tra thường xuyên chất lượng dịch vụ mà mình cung cấp, bảo đảm chất lượng dịch vụ như đã cam kết với người tiêu dùng theo quy định;
- Không ký hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục bằng văn bản hoặc không cung cấp cho người tiêu dùng một bản hợp đồng theo quy định;
- Từ chối hoặc gây cản trở người tiêu dùng chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ theo quy định;
- Buộc người tiêu dùng phải thanh toán chi phí đối với phần dịch vụ chưa sử dụng.
Lưu ý: Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định 98/2020/NĐ-CP là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện, trừ các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 33; Điều 34; Điều 35; khoản 4 Điều 46; khoản 2, 3 Điều 53a; khoản 5, 7, 8, 9 Điều 56; Điều 67; Điều 68; Điều 70 và khoản 6, 7, 8 Điều 77 Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân
Đối tượng bị xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, buôn bán hàng giả, hàng cấm được quy định tại Điều 2 Nghị định 98/2020/NĐ-CP như sau:
- Cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP trên lãnh thổ Việt Nam.
- Hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật; hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật vi phạm các quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm.
- Tổ chức quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 98/2020/NĐ-CP gồm:
+ Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập theo Luật Hợp tác xã 2023; các tổ chức kinh tế khác được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật và các đơn vị trực thuộc của các tổ chức kinh tế nói trên;
+ Văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam;
+ Tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật.
Xem thêm tại Nghị định 24/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 21/02/2025.