Nội dung trong hợp đồng dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng (Hình từ Internet)
Theo quy định tại Điều 29 Nghị định 23/2016/NĐ-CP thì nội dung trong hợp đồng dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng như sau:
- Dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng được thực hiện thông qua hợp đồng dịch vụ. Hợp đồng dịch vụ nghĩa trang, hợp đồng dịch vụ hỏa táng là văn bản pháp lý được ký kết giữa đại diện chủ đầu tư nghĩa trang, cơ sở hỏa táng và người sử dụng dịch vụ.
- Hợp đồng dịch vụ nghĩa trang bao gồm các nội dung cơ bản sau:
+ Các chủ thể ký hợp đồng;
+ Đối tượng hợp đồng;
+ Nội dung về chuyển nhượng quyền sử dụng phần mộ cá nhân và phương thức thanh toán (đối với nghĩa trang được đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách);
+ Nội dung các dịch vụ và yêu cầu về chất lượng dịch vụ;
+ Giá dịch vụ nghĩa trang và phương thức thanh toán;
+ Các điều kiện về thay đổi hợp đồng;
+ Quyền và nghĩa vụ các bên liên quan;
+ Bản vẽ sơ đồ, vị trí phần mộ cá nhân theo quy hoạch chi tiết xây dựng nghĩa trang được phê duyệt (kèm theo hợp đồng).
- Hợp đồng dịch vụ hỏa táng bao gồm các nội dung cơ bản sau:
+ Các chủ thể ký hợp đồng;
+ Nội dung công việc dịch vụ hỏa táng, vận chuyển linh cữu, tro cốt;
+ Giá dịch vụ hỏa táng và phương thức thanh toán;
+ Quyền và nghĩa vụ các bên.
- Chủ đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng có trách nhiệm lập hợp đồng dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ hỏa táng theo nội dung cơ bản được hướng dẫn tại khoản 2, khoản 3 Điều 29 Nghị định 23/2016/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật hiện hành có liên quan đến hợp đồng dịch vụ.
Việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ được thực hiện theo quy định tại Điều 520 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
- Trường hợp việc tiếp tục thực hiện công việc không có lợi cho bên sử dụng dịch vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nhưng phải báo cho bên cung ứng dịch vụ biết trước một thời gian hợp lý; bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền công theo phần dịch vụ mà bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện và bồi thường thiệt hại.
- Trường hợp bên sử dụng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên cung ứng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Lưu ý việc tiếp tục hợp đồng dịch vụ được thực hiện như sau: Sau khi kết thúc thời hạn thực hiện công việc theo hợp đồng dịch vụ mà công việc chưa hoàn thành và bên cung ứng dịch vụ vẫn tiếp tục thực hiện công việc, bên sử dụng dịch vụ biết nhưng không phản đối thì hợp đồng dịch vụ đương nhiên được tiếp tục thực hiện theo nội dung đã thỏa thuận cho đến khi công việc được hoàn thành. (Theo Điều 521 Bộ luật Dân sự 2015)
Theo Điều 6 Nghị định 23/2016/NĐ-CP đầu tư xây dựng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng được quy định như sau:
- Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng theo quy định của pháp luật. Đầu tư xây dựng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng bao gồm:
+ Nhà nước đầu tư xây dựng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng bằng nguồn vốn ngân sách, các nguồn vốn huy động khác hoặc đầu tư xây dựng nghĩa trang theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao;
+ Các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng bằng nguồn vốn nhà nước ngoài ngân sách hoặc nguồn vốn hợp pháp khác (sau đây gọi chung là vốn ngoài ngân sách nhà nước).
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lựa chọn chủ đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng theo quy định pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng.