Tải App trên Android

Cách sang tên xe qua nhiều đời chủ, không tìm được chủ cũ

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
13/09/2024 11:26 AM

Mua bán xe cũ qua nhiều đời chủ nên không tìm được chủ cũ thì thủ tục sang tên như thế nào?

Cách sang tên xe qua nhiều đời chủ, không tìm được chủ cũ

Cách sang tên xe qua nhiều đời chủ, không tìm được chủ cũ (Hình từ internet)

1. Mua bán xe cũ bắt buộc phải làm thủ tục sang tên đổi chủ

Theo quy định tại Thông tư 24/2023/TT-BCA thì khi mua bán xe cũ bắt buộc phải làm thủ tục sang tên đổi chủ.

Đồng thời, pháp luật vẫn cho phép trường hợp sang tên xe qua nhiều đời chủ nên không tìm thấy chủ cũ.

Tuy nhiên, thủ tục sang tên khi không có chủ cũ sẽ khó khăn hơn khi có chủ cũ, sở dĩ pháp luật phải quy định thủ tục chặt chẽ hơn là để tránh tình trạng lợi dụng quy định sang tên xe không có chủ cũ để:

- Trộm cướp xe có luôn giấy đăng ký xe (hay thường gọi là cà vẹt xe) rồi tiến hành đăng ký xe.

- Mượn xe của ai đó rồi đi đăng ký sang tên cho mình.

- Hoặc xe đang cầm cố nhưng người nhận cầm xe lại đi đăng ký sang tên mình,...

2. Cách sang tên xe qua nhiều đời chủ, không tìm được chủ cũ

* Bước 1: Rút hồ sơ gốc

Đầu tiên thì người đang sử dụng xe đến cơ quan đang quản lý hồ sơ đăng ký chiếc xe (tức là cơ quan được ghi trên giấy đăng ký xe) để làm thủ tục thu hồi (hay thường gọi là rút hồ sơ gốc), bằng cách kê khai giấy khai thu hồi đăng ký, biển số xe trên cổng dịch vụ công Bộ Công an.

Sau đó cung cấp mã hồ sơ online và nộp hồ sơ giấy kèm theo biển số xe, giấy đăng ký xe.

Sau khi kiểm tra hồ sơ xe hợp lệ, cơ quan đăng ký xe cấp giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe.

* Bước 2: Làm thủ tục sang tên

Tiếp theo, người đang sử dụng xe đến nộp hồ sơ làm thủ tục sang tên xe tại:

- Công an cấp xã nơi cư trú nếu sang tên xe máy.

- Công an cấp huyện nơi cư trú nếu sang tên xe ô tô.

Lưu ý: Trường hợp cơ quan đang quản lý hồ sơ chiếc xe và cơ quan đăng ký sang tên xe là một cơ quan thì người đang sử dụng xe không phải làm thủ tục thu hồi. Thay vào đó chỉ cần nộp chứng nhận đăng ký xe, biển số xe khi làm thủ tục sang tên.

* Bước 3: Cơ quan đăng ký xe giải quyết sang tên xe

- Đối với trường hợp có giấy tờ mua bán xe thì trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ xe hợp lệ, cơ quan đăng ký xe sẽ ra quyết định xử phạt về hành vi không làm thủ tục thu hồi và đăng ký sang tên xe, chủ xe mới phải nộp lệ phí theo quy định.

- Đối với trường hợp không có giấy tờ mua bán xe thì sẽ giải quyết như sau:

Cơ quan đăng ký xe cấp giấy hẹn có giá trị được sử dụng xe trong thời gian 30 ngày, đồng thời tiến hành xác minh thông tin xe, gửi thông báo cho chủ xe và cơ quan đã đăng ký xe cho xe đó, niêm yết công khai về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký xe tại trụ sở cơ quan công an và tra cứu, xác minh tàng thư xe mất cắp và dữ liệu đăng ký xe.

Sau đó, nếu không tranh chấp, khiếu kiện, cơ quan đăng ký xe sẽ ra quyết định xử phạt về hành vi không làm thủ tục thu hồi và giải quyết đăng ký sang tên xe cho người đang sử dụng xe, chủ xe mới phải nộp lệ phí theo quy định.

Căn cứ pháp lý: Điều 31 Thông tư 24/2023/TT-BCA

3. Mua bán xe cũ mà không làm thủ tục sang tên sẽ bị phạt

Khi mua bán xe cũ mà không làm thủ tục sang tên thì sẽ bị phạt như sau:

- Bên bán: Nếu bên bán không làm thủ tục thu hồi thì bên bán sẽ bị phạt về hành vi không làm thủ tục thu hồi biển số, đăng ký xe với mức phạt như sau:

+ Đối với mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu chủ xe là cá nhân, phạt tiền từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 nếu chủ xe là tổ chức.

+ Đối với xe ô tô, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 nếu chủ xe là cá nhân, phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu chủ xe là tổ chức.

(Điểm e khoản 5, điểm c khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

- Bên mua: Nếu bên mua không làm thủ tục sang tên thì bên mua sẽ bị phạt về hành vi không sang tên xe như sau:

+ Đối với mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng nếu chủ xe là cá nhân, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 nếu chủ xe là tổ chức.

+ Đối với xe ô tô, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 nếu chủ xe là cá nhân, phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu chủ xe là tổ chức.

(Điểm a khoản 4, điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

Lưu ý, việc xác minh để xử phạt hành vi mua bán xe cũ mà không sang tên xe chỉ được thực hiện thông qua công tác đăng ký xe hoặc thông qua quá trình giải quyết vụ tai nạn giao thông. Còn việc con đi xe của cha mẹ, vợ chồng đi xe của nhau, hay bất kỳ ai mượn xe của nhau đi thì CSGT sẽ không kiểm tra lỗi “xe không chính chủ” khi dừng xe kiểm tra hành chính trên đường. (Theo Khoản 10 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,724

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]