Quy định về đầu tư, xây dựng đập, hồ chứa và việc khai thác, sử dụng nước liên quan đến đập, hồ chứa 2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Tô Quốc Trình
08/08/2024 18:30 PM

Nội dung bài viết trình bày quy định về đầu tư, xây dựng đập, hồ chứa và việc khai thác, sử dụng nước liên quan đến đập, hồ chứa theo quy định pháp luật hiện hành.

Quy định về đầu tư, xây dựng đập, hồ chứa và việc khai thác, sử dụng nước liên quan đến đập, hồ chứa 2024

Quy định về đầu tư, xây dựng đập, hồ chứa và việc khai thác, sử dụng nước liên quan đến đập, hồ chứa 2024 (Hình ảnh từ Internet)

1. Quy định về đầu tư, xây dựng đập, hồ chứa và việc khai thác, sử dụng nước liên quan đến đập, hồ chứa 2024

Tại Điều 50 Luật Tài nguyên nước 2023 quy định về đầu tư, xây dựng đập, hồ chứa và việc khai thác, sử dụng nước liên quan đến đập, hồ chứa như sau:

- Việc đầu tư, xây dựng đập, hồ chứa trên sông, suối phải phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có nội dung khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phải bảo đảm đa mục tiêu, chủ động tích trữ nước, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển nguồn nước.

- Việc đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành công trình đập, hồ chứa và quản lý khai thác, sử dụng nguồn nước từ hồ chứa phải bảo đảm an toàn đập, hồ chứa.

- Việc đầu tư, xây dựng đập, hồ chứa trên sông, suối phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

+ Phù hợp với tiêu chuẩn phòng, chống lũ, các yêu cầu kỹ thuật liên quan khác theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai; phải bảo đảm sử dụng nguồn nước tổng hợp, đa mục tiêu; kết hợp cải tạo, phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm;

+ Việc thiết kế và bố trí tổng thể công trình đầu mối phải có các hạng mục công trình để bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định tại Điều 24 Luật Tài nguyên nước 2023, xả nước gia tăng về hạ du khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, sử dụng dung tích chết của hồ chứa trong trường hợp hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng, bảo đảm sự di cư của các loài cá, sự đi lại của phương tiện giao thông thủy;

+ Đối với việc đầu tư, xây dựng đập, hồ chứa thủy lợi còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về thủy lợi.

- Việc xây dựng, vận hành các hồ chứa không xây dựng trên sông, suối, phải bảo đảm không tác động xấu đến nguồn nước, môi trường; không làm ảnh hưởng đến di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; bảo đảm các quy định về thoát nước, không gây ngập úng nhân tạo.

- Việc khai thác, sử dụng nguồn nước từ hồ chứa và các hoạt động trong hành lang bảo vệ nguồn nước phải bảo đảm yêu cầu về bảo vệ, khai thác, sử dụng và phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra theo quy định của Luật Tài nguyên nước 2023; việc bảo đảm an toàn công trình đập, hồ chứa trong đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.

Việc vận hành đập, hồ chứa trên sông, suối còn phải bảo đảm các yêu cầu cắt, giảm lũ cho hạ du, sử dụng nguồn nước tổng hợp, đa mục tiêu, kết hợp cải tạo, phục hồi nguồn nước, tạo cảnh quan và bảo đảm các nguyên tắc theo quy định tại Điều 35 và Điều 36 Luật Tài nguyên nước 2023.

- Tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành đập, hồ chứa có trách nhiệm sau đây:

+ Tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa; bảo đảm an toàn đập, hồ chứa, dòng chảy tối thiểu và yêu cầu phòng, chống lũ, lụt, hạn hán, thiếu nước, cấp nước cho hạ du; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật;

+ Tuân thủ theo lệnh điều hành vận hành hồ chứa của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp lũ, lụt, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và các trường hợp khẩn cấp khác;

+ Thực hiện phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông; bố trí dung tích hồ chứa để nâng cao khả năng cắt, giảm lũ và cấp nước cho hạ du, cải tạo, phục hồi nguồn nước theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

+ Thực hiện việc thông báo, cảnh báo để bảo đảm an toàn cho người dân và các hoạt động có liên quan ở khu vực hạ lưu đập, hồ chứa trước khi vận hành xả nước về hạ du theo quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước;

+ Quan trắc khí tượng thủy văn, kết nối dữ liệu vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia và tính toán, dự báo lượng nước đến hồ phục vụ vận hành hồ chứa, liên hồ chứa và điều hoà, phân phối tài nguyên nước theo quy định của pháp luật; thực hiện quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước theo quy định tại Điều 51 Luật Tài nguyên nước 2023;

+ Thực hiện chế độ báo cáo và cung cấp thông tin, số liệu theo quy định của Luật Tài nguyên nước 2023 và quy định khác của pháp luật có liên quan;

+ Xây dựng phương án ứng phó thiên tai và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước;

+ Thực hiện việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định tại Điều 23 Luật Tài nguyên nước 2023.

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành đập, hồ chứa thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện, năng lực cung cấp dịch vụ hỗ trợ ra quyết định vận hành hồ chứa, liên hồ chứa theo quy định tại Điều 70 Luật Tài nguyên nước 2023 nhằm tối ưu hóa lợi ích về kinh tế - xã hội, môi trường do nguồn nước mang lại.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất phương án sử dụng một phần dung tích phòng lũ trên mực nước dâng bình thường của hồ chứa lớn, quan trọng để nâng cao khả năng cắt, giảm lũ cho hạ du khi xảy ra các tình huống khẩn cấp, bất thường, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

- Nhà nước đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân xây dựng công trình, hồ chứa nhằm bảo vệ, kiểm soát, cải tạo, phục hồi, phát triển nguồn nước, cấp, trữ nước, bổ cập nước dưới đất, chuyển nước cho vùng khan hiếm nước, các đảo có dân sinh sống, vùng bị ảnh hưởng lớn do biến đổi khí hậu, bảo đảm chủ động trữ nước ngọt, điều hoà, phân phối tài nguyên nước nội tỉnh, liên tỉnh.

2. Điều kiện khai thác nước mặt có xây dựng đập, hồ chứa trên sông, suối ngoài

Tại khoản 3 Điều 57 Luật Tài nguyên nước 2023 thì tổ chức khai thác nước mặt có xây dựng đập, hồ chứa trên sông, suối ngoài việc đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 57, điểm b khoản 3 Điều 50 Luật Tài nguyên nước 2023 còn phải đáp ứng điều kiện sau đây:

- Có phương án về thiết bị, nhân lực để quan trắc khí tượng thủy văn, dự báo lượng nước đến hồ, vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước;

- Có quy trình vận hành hồ chứa theo quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước đối với trường hợp đã có công trình.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,344

Bài viết về

lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]