Điều kiện tự chủ của cơ sở giáo dục đại học mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Tô Quốc Trình
03/08/2024 19:45 PM

Bài viết giải đáp chi tiết các điều kiện tự chủ của cơ sở giáo dục đại học theo quy định pháp luật hiện hành, cụ thể được trình bày tại bài viết sau đây.

Điều kiện tự chủ của cơ sở giáo dục đại học mới nhất

Điều kiện tự chủ của cơ sở giáo dục đại học mới nhất (Hình ảnh từ Internet)

1. Điều kiện tự chủ của cơ sở giáo dục đại học mới nhất

Theo Điều 29 Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cơ sở giáo dục đại học được thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định của pháp luật về giáo dục đại học khi đáp ứng đủ điều kiện sau đây:

- Đã thành lập Hội đồng trường, Hội đồng Đại học và được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học.

- Đã ban hành và tổ chức thực hiện quy chế hoạt động của Hội đồng trường hoặc Hội đồng Đại học; quy chế phối hợp giữa Hội đồng trường hoặc Hội đồng Đại học, đảng ủy và nhà trường; quy chế tổ chức và hoạt động; quy chế dân chủ; quy chế quản lý đào tạo, khoa học công nghệ, học sinh sinh viên, tài chính tài sản và có chính sách bảo đảm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng do Nhà nước quy định.

- Thực hiện phân quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đến từng đơn vị, cá nhân trong cơ sở giáo dục đại học.

- Xây dựng đề án tự chủ và thực hiện công khai đầy đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả kiểm định, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và các thông tin khác theo quy định của pháp luật.

2. Quy định về tự chủ tài chính của cơ sở giáo dục

Tại Điều 30 Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định về tự chủ tài chính của cơ sở giáo dục như sau:

* Nguồn tài chính

Nguồn tài chính của cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp quy định tại Điều 11, Điều 15 và Điều 19 Nghị định 60/2021/NĐ-CP và các quy định sau:

- Ngân sách nhà nước cấp kinh phí cho cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp công lập để thực hiện chính sách miễn, giảm học phí; hỗ trợ chi phí học tập và chính sách hỗ trợ khác cho học sinh, sinh viên (nếu có) theo quy định của Nhà nước;

- Thu học phí theo quy định của pháp luật về giáo dục, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các quy định của Chính phủ về học phí;

- Thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, gồm: Thu dịch vụ giáo dục đào tạo theo phương thức giáo dục thường xuyên; thu dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về chuyên môn nghiệp vụ, bổ sung kiến thức, kỹ năng để cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận đào tạo và các hình thức đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn khác; thu dịch vụ tư vấn giáo dục đào tạo; thu từ hoạt động hợp tác đào tạo với doanh nghiệp; thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; các dịch vụ khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ sở giáo dục đào tạo và quy định của pháp luật. Các khoản thu dịch vụ phải được quy định cụ thể và công khai.

* Sử dụng nguồn tài chính

Cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp quyết định sử dụng nguồn tài chính của đơn vị để chi cho các hoạt động thường xuyên, bảo đảm đạt chuẩn chất lượng đầu ra theo đúng cam kết. Việc tự chủ sử dụng nguồn tài chính thực hiện theo quy định tại Điều 12, Điều 16 và Điều 20 Nghị định 60/2021/NĐ-CP và các quy định sau:

- Chi học bổng khuyến khích học tập, miễn, giảm học phí; hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên; các khoản chi hỗ trợ khác cho học sinh, sinh viên (nếu có) trong các cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Nhà nước;

- Chi đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học theo quy định pháp luật về giáo dục đại học và được hạch toán vào chi phí hợp lý của đơn vị.

* Phân phối kết quả tài chính trong năm

- Cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp thực hiện phân phối kết quả tài chính trong năm theo quy định tại Điều 14, Điều 18 và Điều 22 Nghị định 60/2021/NĐ-CP.

- Căn cứ khả năng nguồn tài chính, cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp thực hiện trích lập Quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên. Việc quản lý, sử dụng Quỹ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo) và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp).

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn