Các hành vi bị cấm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
29/07/2024 19:00 PM

Dưới đây là nội quy định về các hành vi bị cấm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam theo Luật Biển Việt Nam 2012.

Các hành vi bị cấm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam (Hình từ internet)

Giải thích về thềm lục địa theo Luật Biển Việt Nam 2012

Vùng biển Việt Nam bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Trong đó, theo Điều 17 Luật Biển Việt Nam 2012, thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa.

Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này cách đường cơ sở chưa đủ 200 hải lý thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở.

Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài không quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc không quá 100 hải lý tính từ đường đẳng sâu 2.500 mét.

Các hành vi bị cấm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam

Theo Điều 37 Luật Biển Việt Nam 2012, khi thực hiện quyền tự do hàng hải, tự do hàng không trong vùng thềm lục địa Việt Nam, tổ chức, cá nhân không được tiến hành các hoạt động sau đây:

- Đe dọa chủ quyền, quốc phòng, an ninh của Việt Nam;

- Khai thác trái phép tài nguyên sinh vật, đánh bắt hải sản trái phép;

- Khai thác trái phép dòng chảy, năng lượng gió và tài nguyên phi sinh vật khác;

- Xây dựng, lắp đặt, sử dụng trái phép các thiết bị, công trình nhân tạo;

- Khoan, đào trái phép;

- Tiến hành nghiên cứu khoa học trái phép;

- Gây ô nhiễm môi trường biển;

- Cướp biển, cướp có vũ trang;

- Các hoạt động bất hợp pháp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế.

Quy định về đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển

- Đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển bao gồm:

+ Các giàn khoan trên biển cùng toàn bộ các bộ phận phụ thuộc khác đảm bảo hoạt động bình thường và liên tục của các giàn khoan hoặc các thiết bị chuyên dùng để thăm dò, khai thác và sử dụng biển;

+ Các loại báo hiệu hàng hải;

+ Các thiết bị, công trình khác được lắp đặt và sử dụng ở biển.

- Nhà nước có quyền tài phán đối với các đảo nhân tạo và thiết bị, công trình trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, bao gồm cả quyền tài phán theo các quy định của pháp luật về hải quan, thuế, y tế, an ninh và xuất nhập cảnh.

- Các đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển và các bộ phận kèm theo hoặc phụ thuộc có vành đai an toàn 500 mét (m) tính từ điểm nhô ra xa nhất của đảo, thiết bị, công trình hoặc các bộ phận đó, nhưng không có lãnh hải và các vùng biển riêng.

- Không xây dựng đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển cũng như không thiết lập vành đai an toàn xung quanh đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển ở nơi có nguy cơ gây trở ngại cho việc sử dụng các đường hàng hải đã được thừa nhận là thiết yếu cho hàng hải quốc tế.

- Khi hết hạn sử dụng, thiết bị, công trình trên biển phải được tháo dỡ khỏi vùng biển Việt Nam, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cho phép. Đối với phần còn lại của thiết bị, công trình trên biển chưa kịp tháo dỡ hoàn toàn vì lý do kỹ thuật hoặc được phép gia hạn thì phải thông báo rõ vị trí, kích thước, hình dạng, độ sâu và phải đặt các tín hiệu, báo hiệu hàng hải và nguy hiểm thích hợp.

- Thông tin liên quan tới việc thiết lập đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển, việc thiết lập vành đai an toàn xung quanh và việc tháo dỡ một phần hay toàn bộ thiết bị, công trình trên biển phải được cung cấp chậm nhất là 15 ngày trước ngày bắt đầu thiết lập hoặc tháo dỡ đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và được thông báo rộng rãi trong nước và quốc tế.

          Lê Nguyễn Anh Hào

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 743

Bài viết về

Biển đảo Việt Nam

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]