Quy định về nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
22/05/2024 15:30 PM

Ngày 20/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2024/NĐ-CP về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa. Trong đó có quy định về nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng.

Quy định về nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng (Hình từ internet)

1. Nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng là gì?

Theo Điều 9 Nghị định 57/2024/NĐ-CP có quy định nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng là dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải, nạo vét duy tu đường thủy nội địa là dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa được sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và nguồn vốn hợp pháp khác.

2. Phân công tổ chức thực hiện trong việc nạo vét duy tu

Căn cứ quy định tại Điều 10 Nghị định 57/2024/NĐ-CP thì việc phân công tổ chức được thực hiện như sau:

- Cơ quan giao kế hoạch, dự toán:

+ Bộ Giao thông vận tải giao kế hoạch nạo vét duy tu, dự toán chi ngân sách nhà nước đối với nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng, đường thủy nội địa quốc gia;

+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao kế hoạch nạo vét duy tu, dự toán chi ngân sách nhà nước đối với nạo vét duy tu đường thủy nội địa địa phương, đường thủy nội địa quốc gia được phân cấp.

- Đối với dự án nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng, đường thủy nội địa quốc gia: Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thực hiện trách nhiệm của người có thẩm quyền quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật về xây dựng; Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thực hiện thẩm quyền của chủ đầu tư theo quy định của pháp luật về xây dựng.

- Đối với dự án nạo vét duy tu đường thủy nội địa địa phương, đường thủy nội địa quốc gia được phân cấp cho địa phương quản lý (sau đây gọi là đường thủy nội địa do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý): Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư và giao nhiệm vụ cho cơ quan, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thẩm quyền của chủ đầu tư.

3. Hình thức, trình tự thực hiện nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng

Về hình thức thực hiện việc nạo vét được quy định tại Điều 11 Nghị định 57/2024/NĐ-CP.

- Hình thức nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng, đường thủy nội địa sử dụng nguồn ngân sách nhà nước gồm nạo vét theo khối lượng thực tế và nạo vét theo chất lượng thực hiện.

- Bộ Giao thông vận tải:

+ Quyết định hình thức thực hiện nạo vét duy tu đối với luồng hàng hải công cộng, đường thủy nội địa quốc gia;

+ Quy định chi tiết về nạo vét theo chất lượng thực hiện, nạo vét khẩn cấp.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hình thức thực hiện nạo vét duy tu đối với đường thủy nội địa do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý.

Về trình tự thực hiện dự án nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng, đường thủy nội địa sử dụng nguồn ngân sách nhà nước chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng và thực hiện theo các bước sau:

- Lập kế hoạch nạo vét duy tu theo quy định tại Điều 13 Nghị định 57/2024/NĐ-CP.

- Giao dự toán chi ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 14 Nghị định 57/2024/NĐ-CP.

- Thực hiện các thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định.

- Lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng theo quy định tại Điều 15 Nghị định 57/2024/NĐ-CP.

- Tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Điều 16 Nghị định 57/2024/NĐ-CP.

- Bàn giao mặt bằng, tổ chức kiểm tra, giám sát và quản lý thi công công trình theo quy định tại các Điều 17, 18 Nghị định 57/2024/NĐ-CP.

- Nghiệm thu, thanh toán, quyết toán công trình theo quy định tại Điều 19 Nghị định 57/2024/NĐ-CP.

- Thực hiện các quy định về quản lý chất nạo vét theo quy định tại Điều 8 Nghị định 57/2024/NĐ-CP.

4. Lập kế hoạch nạo vét duy tu và dự toán ngân sách nhà nước

Theo Điều 13 Nghị định 57/2024/NĐ-CP thì Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng, đường thủy nội địa quốc gia do Bộ Giao thông vận tải quản lý trong kế hoạch bảo trì hằng năm. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch nạo vét duy tu đường thủy nội địa do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý trong kế hoạch bảo trì hằng năm.

Sau đó sẽ giao dự toán chi ngân sách nhà nước, tại Điều 14 Nghị định 57/2024/NĐ-CP thì các cơ quan sau phải thực hiện việc dự toán ngân sách:

- Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam lập dự toán chi ngân sách nhà nước trình Bộ Giao thông vận tải tổng hợp dự toán chi ngân sách nhà nước theo quy định.

- Căn cứ dự toán chi ngân sách nhà nước được giao, Bộ Giao thông vận tải giao dự toán chi ngân sách nhà nước cho Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức giao dự toán chi cho các dự án nạo vét duy tu đường thủy nội địa do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý.

- Việc giao dự toán chi các dự án nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng, đường thủy nội địa căn cứ trên cơ sở kế hoạch bảo trì công trình hàng hải, đường thủy nội địa được duyệt, không bắt buộc phải có Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, dự toán công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nghị định 57/2024/NĐ-CP có hiệu lực vào ngày 05/7/2024.

Nguyễn Hữu Hiệp

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,379

Bài viết về

Biển đảo Việt Nam

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]