Quy định về biệt phái viên chức mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
29/07/2024 11:15 AM

Nội dung bài viết trình bày quy định về các trường hợp biệt phái viên chức theo quy định pháp luật hiện hành, theo đó là các quy định liên quan.

Quy định về biệt phái viên chức mới nhất

Quy định về biệt phái viên chức mới nhất (Hình ảnh từ Internet)

1. Biệt phái viên chức là gì? 

Tại Điều 36 Luật Viên chức 2010 thì biệt phái viên chức là việc viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập này được cử đi làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ trong một thời hạn nhất định. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập quyết định việc biệt phái viên chức.

2. Quy định về biệt phái viên chức mới nhất

Theo Điều 27 Nghị định 115/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 15 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP) quy định về biệt phái viên chức như sau:

* Việc biệt phái viên chức được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

+ Theo nhiệm vụ đột xuất, cấp bách;

+ Để thực hiện công việc cần giải quyết trong một thời gian nhất định.

* Thời gian biệt phái viên chức không quá 03 năm. Đối với ngành, lĩnh vực đặc thù, thời gian biệt phái thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Khi hết thời gian biệt phái thì cơ quan, đơn vị nơi cử viên chức đi biệt phái xem xét, quyết định việc kết thúc hoặc gia hạn thời gian biệt phái đối với viên chức.

* Viên chức được cử biệt phái chịu sự phân công, bố trí, đánh giá, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi được cử đến biệt phái.

* Thẩm quyền biệt phái viên chức:

+ Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quy định tại Điều 7 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quyết định việc biệt phái viên chức.

+ Việc biệt phái viên chức làm công việc ở vị trí việc làm của công chức phải được sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức.

* Trình tự, thủ tục biệt phái viên chức:

+ Bước 1: Trao đổi, lấy ý kiến của tập thể lãnh đạo nơi tiếp nhận viên chức biệt phái;

+ Bước 2: Gặp viên chức để trao đổi về chủ trương biệt phái và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể;

+ Bước 3: Trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

* Viên chức biệt phái được hưởng quyền lợi quy định tại khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều 36 Luật Viên chức 2010. Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi được cử đến biệt phái có chế độ, chính sách đặc thù thì ngoài lương và các quyền lợi khác do cơ quan, đơn vị cử viên chức biệt phái chi trả, viên chức còn được hưởng các chế độ, chính sách đặc thù do cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi nhận biệt phái chi trả.

Theo khoản 4, 5 và khoản 6 Điều 36 Luật Viên chức 2010 quy định về biệt phái viên chức như sau:

- Trong thời gian biệt phái, đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm bảo đảm tiền lương và các quyền lợi khác của viên chức.

- Viên chức được cử biệt phái đến miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.

- Hết thời hạn biệt phái, viên chức trở về đơn vị cũ công tác. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm tiếp nhận và bố trí việc làm cho viên chức hết thời hạn biệt phái phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức.

Tô Quốc Trình

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,889

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]