Thủ tục thành lập, giải thể công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở (Hình ảnh từ Internet)
Theo Điều 13 Điều lệ Công đoàn Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 174/QĐ-TLĐ ngày 03/2/2020 thì công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam, được thành lập ở một hoặc một số đơn vị sử dụng lao động hoạt động hợp pháp, khi có từ 05 đoàn viên hoặc 05 người lao động trở lên, có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.
Nghiệp đoàn cơ sở tập hợp những người lao động tự do hợp pháp cùng ngành, nghề, theo địa bàn hoặc theo đơn vị sử dụng lao động, được thành lập khi có từ 05 đoàn viên công đoàn hoặc 05 người lao động trở lên, có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.
Theo khoản 3 Điều 13 Điều lệ Công đoàn Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 174/QĐ-TLĐ ngày 03/2/2020 quy định hình thức tổ chức công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở bao gồm:
- Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở không có tổ công đoàn, tổ nghiệp đoàn, công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận, công đoàn cơ sở thành viên.
- Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở có tổ công đoàn, tổ nghiệp đoàn.
- Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở có công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận.
- Công đoàn cơ sở có công đoàn cơ sở thành viên.
Tại Mục 12.5 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 quy định công đoàn cơ sở giải thể, chấm dứt hoạt động trong những trường hợp sau:
- Đơn vị sử dụng lao động chấm dứt hoạt động;
- Công đoàn cơ sở hoạt động không đúng theo tôn chỉ mục đích, quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam;
- Không đủ số lượng đoàn viên theo quy định.
Việc giải thể, chấm dứt hoạt động của công đoàn cơ sở do công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở xem xét quyết định.
Khi giải thể, chấm dứt hoạt động công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp phải thông báo đến các đơn vị, cá nhân liên quan và thực hiện thu con dấu theo quy định. Khi giải thể tổ chức công đoàn thì chấm dứt hoạt động của ban chấp hành, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra và các chức danh cán bộ công đoàn.
Tại Điều 14 Điều lệ Công đoàn Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 174/QĐ-TLĐ ngày 03/2/2020 quy định về trình tự, thủ tục thành lập, giải thể công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở như sau:
* Người lao động thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở
- Những nơi chưa có công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở, người lao động tự nguyện lập ban vận động thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở (gọi tắt là ban vận động).
- Ban vận động thực hiện tuyên truyền, vận động, tiếp nhận đơn xin gia nhập công đoàn của người lao động.
- Khi có đủ điều kiện thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở theo quy định, thì ban vận động tổ chức đại hội thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở và đăng ký với công đoàn cấp trên theo phân cấp đối tượng tập hợp quy định tại Điều 17 Điều lệ Công đoàn Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 174/QĐ-TLĐ ngày 03/2/2020 ; công đoàn cấp trên xem xét, công nhận công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở.
- Hoạt động của ban chấp hành công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở được tiến hành từ khi có quyết định công nhận của công đoàn cấp trên.
* Trách nhiệm của công đoàn cấp trên trong việc thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở
- Hỗ trợ người lao động lập ban vận động.
- Hỗ trợ ban vận động về nội dung, phương thức tuyên truyền người lao động gia nhập công đoàn, tổ chức đại hội thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở; bầu ban chấp hành công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở.
- Xem xét công nhận hoặc không công nhận đoàn viên, công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở và ban chấp hành công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở theo quy định.
- Những nơi người lao động không đủ khả năng tổ chức ban vận động thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên có trách nhiệm trực tiếp tuyên truyền, vận động người lao động gia nhập công đoàn và thực hiện các thủ tục kết nạp đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở, chỉ định ban chấp hành, ủy ban kiểm tra lâm thời và các chức danh trong ban chấp hành, ủy ban kiểm tra lâm thời.
Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở không đủ điều kiện tồn tại và hoạt động thì công đoàn cấp trên trực tiếp xem xét quyết định giải thể, chấm dứt hoạt động.
Tô Quốc Trình