Chế độ dành cho người hiến tạng sau khi chết

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
22/05/2024 14:45 PM

Hiện hành, điều kiện đăng ký hiến tạng, cũng như chế độ dành cho người hiến tạng sau khi chết được quy định tại Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006Thông tư 104/2017/TT-BTC.

Chế độ dành cho người hiến tạng sau khi chết (Hình từ internet)

1. Hiến tạng là gì?

Theo quy định tại các văn bản pháp luật hiện nay, không có một định nghĩa cụ thể đối với việc hiến tạng. Tuy nhiên, căn cứ khoản 6 Điều 3 Luật

Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006, thì hiến tạng có thể hiểu là việc hiến mô, bộ phận cơ thể con người.

Đối với quy định này, thì hiến mô, bộ phận cơ thể người là việc cá nhân hiến mô, bộ phận cơ thể người một cách tự nguyện khi còn sống hoặc sau khi chết.

Đây là một hành động vô cùng ý nghĩa trong y học và đời sống hiện nay vì khi cá nhân hiến mô, bộ phận cơ thể người, sẽ được lấy những bộ phận được hiến này để ghép mô, bộ phận cơ thể của người bệnh khác hoặc phục vụ cho mục đích nhân đạo.

2. Điều kiện để đăng ký hiến tạng

Theo quy định thì có thể thấy, hiến tạng là quyền của công dân Việt Nam được thể hiện bằng cách tự nguyện đối với việc hiến mô, một phần cơ thể của mình vì mục đích cứu giúp người khác. Nhưng để đăng ký hiến tạng thì không phải ai cũng được đăng ký mà phải đáp ứng các điều kiện theo Điều 4, 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006 về độ tuổi, năng lực hành vi dân sự, nguyên tắc thực hiện, giai đoạn hiến tạng. Cụ thể là:

- Về độ tuổi: người từ đủ 18 tuổi trở lên.

- Năng lực hành vi dân sự: phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.

- Việc hiến tạng thực hiện trong các giai đoạn:  hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.

- Nguyên tắc thực hiện: Việc hiến tạng phải được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện đối với người được hiến, người được ghép; vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học; không nhằm mục đích thương mại và phải giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Bên cạnh đó, để đăng ký hiến tạng thì người đăng ký phải đáp ứng yêu cầu về sức khỏe của mình, không mắc những căn bệnh theo quy định của pháp luật.

 3. Thủ tục hiến tạng sau khi chết

Để đăng ký hiến tạng sau khi chết thì người hiến tạng cần nắm rõ các thủ tục đăng ký, cơ quan có thẩm quyền đăng ký và trình tự thực hiện thủ tục ra sao. Dưới đây là chi tiết thủ tục, trình tự cần thực hiện:

* Hồ sơ hiến tạng sau khi chết

Đối với hồ sơ đăng ký hiến tạng sau khi chết thì người hiến tạng chỉ cần điền thông tin theo mẫu đơn tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết tại Quyết định 07/2008/QĐ-BYT.

Bên cạnh đó, người có nhu cầu hiến tạng cần chuẩn bị thêm một ảnh thẻ cùng một bản sao Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu còn thời hạn.

* Trình tự, thủ tục hiến tạng sau khi chết

Theo quy định tại Điều 18 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006 được thực hiện theo các bước sau đây:

Bước 1: Người muốn hiến tạng có đủ điều kiện bày tỏ nguyện vọng hiến tạng sau khi chết với cơ sở y tế gần nhất hoặc các nơi tiếp nhận vấn đề này.

Bước 2: Khi nhận được thông tin của người có nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết, cơ sở y tế thông báo cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

Trường hợp, nếu gửi hồ sơ trực tiếp đến Trung tâm thì người có nhu cầu sẽ được tư vấn chi tiết và hướng dẫn các thủ tục đăng ký hiến tạng sau khi chết và kiểm tra sức khỏe cho đối tượng này theo bước 3, bước 4.

Bước 3: Khi nhận được thông báo về trường hợp hiến mô, bộ phận cơ thể người, Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người có trách nhiệm thông báo cho cơ sở y tế để tiến hành các thủ tục đăng ký cho người hiến.

Bước 4: Khi nhận được thông báo của Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cơ sở y tế có trách nhiệm trực tiếp gặp người hiến để tư vấn về các thông tin có liên quan; hướng dẫn việc đăng ký hiến theo mẫu đơn; thực hiện việc kiểm tra sức khỏe cho người hiến; sau đó sẽ cấp thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết cho người hiến.

Sau đó, cơ sở y tế sẽ thông báo lại danh sách người hiến cho Trung tâm này.

* Hiệu lực của việc đăng ký hiến tạng

Theo khoản 5 Điều 18 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006 thì việc đăng ký có hiệu lực kể từ khi người đăng ký được cấp thẻ đăng ký hiến.

4. Chế độ dành cho người hiến tạng sau khi chết

Dựa vào Điều 3 Thông tư 104/2017/TT-BTC, người đăng ký hiến tạng sau khi chết nếu thân nhân có tổ chức tang lễ, mai táng di hài thì sẽ được hỗ trợ mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở.

Còn trường hợp cơ sở y tế, cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến tổ chức tang lễ và mai táng được thanh toán chi phí theo thực tế phát sinh nhưng tối đa không quá 10 tháng lương cơ sở.

5. Các hành vi bị nghiêm cấm

Bên cạnh đó, căn cứ theo Điều 11 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006 có quy định hành vị bị nghiêm cấm đối với việc hiến tạng.

- Lấy trộm mô, bộ phận cơ thể người; lấy trộm xác.

- Ép buộc người khác phải cho mô, bộ phận cơ thể người hoặc lấy mô, bộ phận cơ thể của người không tự nguyện hiến.

- Mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác.

- Lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại.

- Lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống dưới mười tám tuổi.

- Ghép mô, bộ phận cơ thể của người bị nhiễm bệnh theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

- Quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại.

- Tiết lộ thông tin, bí mật về người hiến và người được ghép trái với quy định của pháp luật.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm sai lệch kết quả xác định chết não.

Nguyễn Hữu Hiệp

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 724

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn