Trùng tu hạ giải di tích theo Thông tư 15/2019/TT-BVHTTDL

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
30/07/2024 11:49 AM

Nội dung phương án trùng tu hạ giải di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn tại Thông tư 15/2019/TT-BVHTTDL và tại TCVN 12603:2018.

Hạ giải di tích là gì? Trùng tu hạ giải di tích theo Thông tư 15/2019/TT-BVHTTDL

Hạ giải di tích là hoạt động tháo rời toàn bộ hoặc một số cấu kiện, thành phần kiến trúc của một di tích nhằm mục đích bảo quản, tu bổ mà vẫn giữ gìn tối đa sự nguyên vẹn các cấu kiện, thành phần kiến trúc của di tích đó. (Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 15/2019/TT-BVHTTDL)

Tại Điều 17 Thông tư 15/2019/TT-BVHTTDL quy định hạ giải di tích như sau:

- Việc hạ giải di tích chỉ được tiến hành khi hiện vật nội thất đã được di dời hoặc bao che tại chỗ bảo đảm an ninh, an toàn.

- Trước khi hạ giải, các cấu kiện, thành phần kiến trúc phải được chụp ảnh, ghi hình, đánh dấu theo hệ thống ký hiệu đã lập trên bản vẽ; có phương án hạ giải và vị trí tập kết trong nhà bảo quản.

- Trong khi hạ giải, các cấu kiện, thành phần kiến trúc phải được bảo vệ an toàn, gia cố tạm thời đối với vị trí có nguy cơ bị phá hủy và xác định phương án vận chuyển thích hợp.

- Sau khi hạ giải, các cấu kiện, thành phần kiến trúc phải được làm sạch sơ bộ và phân loại, sắp xếp trong nhà bảo quản.

- Quá trình hạ giải phải được lập thành hồ sơ (bản viết, bản ảnh, ghi hình), là một thành phần của Nhật ký công trình quy định tại khoản 2 Điều 18 Thông tư 15/2019/TT-BVHTTDL.

Trùng tu hạ giải di tích

Quy định về trùng tu hạ giải di tích (Hình từ internet)

Một số hướng dẫn về hạ giải di tích theo TCVN 12603:2018

Tại TCVN 12603:2018 có đề cập một số hướng dẫn về hạ giải di tích như sau:

“7  Thi công và nghiệm thu công tác tu bổ các chi tiết trang trí nề ngõa

7.1  Các biện pháp thi công tu bổ chính

a) hạ giải để tu bổ, gia cố và gắn về vị trí cũ: được áp dụng khi có tu bổ toàn phần di tích mà bắt buộc phải di rời chi tiết trang trí.

b) tu bổ tại chỗ: thực hiện khi không cần hạ giải, di rời chi tiết trang trí.

Trong mọi biện pháp, công tác che chắn bảo vệ chi tiết trang trí đều cần phải tiến hành trong suốt quá trình thi công, và cả sau khi tu bổ nếu cần bảo dưỡng chi tiết trang trí. Việc tháo dỡ kết cấu bao che được thực hiện sau khi việc tu bổ đã được nghiệm thu.

7.3  Quy trình chung thi công tu bổ trang trí

… 7.3.2  Làm bao che chống nắng chiếu trực tiếp và chống nước mưa, phòng chống các tác động bất lợi khác: kết cấu bao che tạm thời đảm bảo chức năng bảo vệ, che chắn chi tiết trang trí trong suốt thời gian thi công tu bổ và thời gian bảo dưỡng khi chi tiết trang trí nằm ngoài trời. Kết cấu bao che cần có độ bền bảo vệ chi tiết trang trí khỏi các va đập cơ học và các tác động bất lợi khác như: gió bão, cháy... Khi tu bổ có công đoạn hạ giải thì các chi tiết trang trí sau khi hạ giải được tu bổ trong lán có mái che và các điều kiện bảo vệ như nêu ở trên.

7.3.3  Ký hiệu các cấu kiện, chi tiết trang trí: được tiến hành trong biện pháp thi công có hạ giải và không có hạ giải chi tiết trang trí. Ký hiệu được ghi theo hệ thống sao cho thuận tiện nhận biết vị trí, dễ dàng khi lắp đặt trở lại công trình. Ký hiệu được ghi bằng chất liệu không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, tại vị trí khuất hoặc được bỏ đi sau khi hoàn thành lắp đặt.

…7.3.6  Ghi nhận tình trạng kỹ thuật, đánh giá tình trạng bảo tồn sau khi bóc tách, làm sạch và đối chiếu với hồ sơ thiết kế:

… g) đánh giá sự phù hợp của giải pháp tu bổ trong hồ sơ thiết kế đối với tình trạng thực tế của di tích sau khi hạ giải và bóc tách, khảo sát cụ thể.

7.3.8  Hạ giải: cần bảo toàn tối đa vật trang trí. Không chia cắt các mảng trang trí nếu không thực sự cần thiết; lập phương án ghép nối trở lại khi phải chia cắt. Có phương án hạ giải và bảo quản, cất giữ an toàn cho vật trang trí.

Phụ lục B (Tham khảo)

Một số kỹ thuật tu bổ, phục hồi trang trí nề ngõa

B.2  Tu bổ, gia cố chi tiết trang trí nề ngõa

...

B.2.5  Tu bổ, gia cố vật trang trí có nền phải di rời

Các hình thức gia cố, tu bổ: trang trí trên tường khi tường cần hạ giải, trang trí trên tường khi tường mục cần tháo dỡ xây lại. Trang trí trong trường hợp này thường là phù điêu, hoa văn đắp nỗi hoặc gờ, chỉ, phào... có giá trị mỹ thuật.

1) phần tường có trang trí cần hạ giải

Khi tu bổ công trình tổng thể, lúc hạ giải, nhất là phần mái (tường hồi, tường cổ diêm, bờ mái) thường có các chi tiết trang trí cần giữ lại. Cũng có trường hợp trang trí trên tường nhưng tường cần gia cố móng, yêu cầu không tháo dỡ tường. Có một số kỹ thuật:

- đục chân đế trang trí trên bờ mái, lấy nguyên chi tiết trang trí ra, sau đó gắn trả lại trên bờ mái mới.

- cắt nguyên đoạn bờ mái, đoạn tường mái có trang trí, hạ xuống đất để tu bổ. Trên đoạn tường phục hồi chừa chỗ cho đoạn tường nguyên gốc, làm thành neo liên kết, khung bê tông cốt thép để giúp ổn định đoạn tường cũ. Lắp đặt tường gốc trở về vị trí, liên kết với tường mới.

- cắt tách đoạn tường có trang trí rời khỏi công trình; gông bó và kích nâng toàn bộ mảng tường có trang trí lên cao và cố định chắc chắn. Sau khi gia cố mỏng (hoặc thay mỏng), bố trí các neo liên kết trên cả tường và móng thì đặt tường cũ trở lại vị trí trên móng mới, gia cố định vị tường-móng.

...”

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn