Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Di sản văn hóa 2024 thì di sản tư liệu là nội dung thông tin gốc được tạo lập có chủ ý của nhóm người hoặc cá nhân, thể hiện trực tiếp bằng ký hiệu, mật mã, chữ viết, hình vẽ, âm thanh, hình ảnh tĩnh hoặc động, dạng số và dạng thức khác trên vật mang tin gốc có thể tiếp cận và có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ đối với ít nhất một cộng đồng, được kế thừa và trao truyền.
Phân loại và tiêu chí nhận diện di sản tư liệu quy định cụ thể tại Điều 53 Luật Di sản văn hóa 2024 như sau:
(1) Di sản tư liệu gồm 02 thành tố là nội dung thông tin và vật mang tin. Trong đó:
- Nội dung thông tin được thể hiện bằng ký tự, mật mã, chữ viết, hình vẽ trên vật mang tin là lá cây, xương, gỗ, đá, gốm, giấy, nhựa, vải, kính, kim loại hoặc trên vật mang tin có chất liệu khác.
- Nội dung thông tin được thể hiện bằng âm thanh, hình ảnh tĩnh, động trên vật mang tin là phim, ảnh, bản ghi, bản thu âm và các vật mang tin gốc khác.
- Nội dung thông tin được thể hiện bằng dạng số trên vật mang tin chứa đựng dữ liệu điện tử.
(2) Về tiêu chí, di sản tư liệu được nhận diện theo các tiêu chí sau đây:
- Bảo đảm tính xác thực gồm: nội dung thông tin gốc, đầy đủ được ghi lại có chủ đích trên vật mang tin gốc phải rõ nguồn gốc, xuất xứ, thời điểm tạo lập, quá trình hình thành, lưu giữ và quyền sở hữu.
- Bảo đảm tính độc bản và độc đáo gồm: nội dung thông tin và hình thức, phong cách vật mang tin có giá trị tiêu biểu, duy nhất, hiếm có cho một loại hình, một giai đoạn lịch sử hay một nền văn hoá của quốc gia, khu vực hoặc thế giới.
- Bảo đảm tính toàn vẹn gồm: nội dung thông tin gốc, hiện trạng của vật mang tin gốc.
- Bảo đảm giá trị, ý nghĩa và ảnh hưởng gồm: nội dung thông tin có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, được lưu truyền qua các thế hệ, đánh dấu các bước ngoặt của một hoặc nhiều giai đoạn lịch sử gắn với địa điểm, sự kiện, con người; có ảnh hưởng đối với quốc gia, khu vực hoặc thế giới.
Di sản tư liệu là gì? Phân loại và tiêu chí nhận diện di sản tư liệu từ ngày 01/07/2025 (Hình từ Internet)
Theo quy định tại Điều 57 Luật Di sản văn hóa 2024 di sản tư liệu đã được ghi danh phải được bảo quản như sau:
- Lập hồ sơ về hiện trạng di sản tư liệu và môi trường bảo quản.
- Bảo quản thường xuyên theo quy định chung và các quy định đặc thù đối với di sản tư liệu.
- Bảo quản phòng ngừa bằng các biện pháp để kịp thời ngăn ngừa và hạn chế sự hủy hoại tự nhiên do thiên nhiên hoặc con người gây ra đối với di sản tư liệu.
- Bảo quản trị liệu bằng các biện pháp khoa học, kỹ thuật và các biện pháp khác phù hợp nhằm loại trừ nguyên nhân gây hại và phục hồi một phần hư hỏng của di sản tư liệu.
- Chuyển dạng số, cập nhật, sao lưu trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị trên môi trường điện tử theo quy định Luật Di sản văn hóa 2024, Luật Tiếp cận thông tin 2016, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, kho bảo quản di sản tư liệu phải đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây:
- Phải được xây dựng phù hợp với yêu cầu bảo vệ, bảo quản theo loại hình và chất liệu của di sản tư liệu.
- Bảo đảm các điều kiện về nhân lực, công nghệ, kỹ thuật cần thiết để bảo vệ, bảo quản di sản tư liệu.
- Có ứng dụng khoa học, công nghệ bảo quản phù hợp với yêu cầu bảo vệ, bảo quản di sản tư liệu.
- Được tổ chức bảo vệ chặt chẽ, bảo đảm an ninh, an toàn theo quy định của pháp luật; trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị kỹ thuật cần thiết cho việc quan sát, giám sát, phòng, chống trộm cắp, thiên tai, hỏa hoạn, hỏng và các yếu tố khác có thể gây hư hại đến di sản tư liệu.
Xem thêm Luật Di sản văn hóa 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025.
Ngô Thị Tuyết Nhi