Người lao động bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
23/04/2024 14:15 PM

Cho tôi hỏi theo quy định pháp luật hiện nay thì người lao động bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp nào? - Tuấn Tú (Khánh Hòa)

Người lao động bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp nào?

Người lao động bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp nào? (Hình ảnh từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Người lao động bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp nào?

Theo Điều 128 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tạm đình chỉ công việc với người lao động như sau:

- Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên.

- Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.

Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.

- Trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.

- Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.

2. Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tạm đình chỉ công việc của người lao động quá thời hạn

Căn cứ theo khoản 2 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

- Không có nội quy lao động bằng văn bản khi sử dụng từ 10 lao động trở lên;

- Không đăng ký nội quy lao động theo quy định của pháp luật;

- Không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trước khi ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung nội quy lao động;

- Sử dụng nội quy lao động chưa có hiệu lực hoặc đã hết hiệu lực;

- Xử lý kỷ luật lao động, bồi thường thiệt hại không đúng trình tự; thủ tục; thời hiệu theo quy định của pháp luật;

- Tạm đình chỉ công việc quá thời hạn theo quy định của pháp luật;

- Trước khi đình chỉ công việc của người lao động, người sử dụng lao động không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc làm thành viên.

Như vậy, đối với cá nhân có hành vi tạm đình chỉ công việc quá thời hạn theo quy định của pháp luật có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

* Lưu ý: Tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì mức phạt tiền theo quy định nêu trên là mức phạt tiền đối với cá nhân, đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Theo điểm b khoản 4 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì ngoài bị phạt tiền thì người vi phạm có thể bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương những ngày tạm đình chỉ công việc đối với người lao động.

Tô Quốc Trình

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,080

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]