Tuyển sinh đầu cấp là gì? Những điều cần biết về tuyển sinh đầu cấp

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
02/02/2024 18:15 PM

Xin cho tôi hỏi tuyển sinh đầu cấp là gì? Những điều cần biết về tuyển sinh đầu cấp - Văn Hiếu (Hải Phòng)

Tuyển sinh đầu cấp là gì? Những điều cần biết về tuyển sinh đầu cấp

Tuyển sinh đầu cấp là gì? Những điều cần biết về tuyển sinh đầu cấp (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Tuyển sinh đầu cấp là gì?

Tuyến sinh đầu cấp là việc xét tuyển đầu vào ở các cấp học, cụ thể là tuyển sinh mầm non, tuyển sinh tiểu học (lớp 1), tuyển sinh trung học cơ sở (lớp 6), tuyển sinh trung học phổ thông (lớp 10).

2. Những điều cần biết về tuyển sinh đầu cấp

2.1 Tuyển sinh mầm non

Giáo dục mầm non không phải là giáo dục bắt buộc

Tại Điều 14 Luật Giáo dục 2019 quy định về phổ cập giáo dục và giáo dục bắt buộc như sau:

- Giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc.

Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

- Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện giáo dục bắt buộc trong cả nước; quyết định kế hoạch, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục.

- Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc.

- Gia đình, người giám hộ có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc.

Như vậy, giáo dục mầm non không phải là giáo dục bắt buộc.

Cũng tại Điều 23 Luật Giáo dục 2019 về vị trí, vai trò và mục tiêu của giáo dục mầm non, cụ thể như sau:

- Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam, thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 06 tuổi.

- Giáo dục mầm non nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một.

Do đó có thể thấy vì sự tiến bộ của xã hội, các địa phương, quận, huyện, thị xã hầu như luôn phát động 100% trẻ em đủ độ tuổi đến trường.

2.2 Tuyển sinh tiểu học

Với quy định trên, đây là cấp học đầu tiên bắt buộc mọi trẻ em trong nước phải hoàn thành.

(1) Đối tượng tuyển sinh

Tuổi của học sinh vào học lớp một là 06 tuổi và được tính theo năm. Trẻ em khuyết tật, kém phát triển về thể lực hoặc trí tuệ, trẻ em ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em người dân tộc thiểu số, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em ở nước ngoài về nước, con em người nước ngoài học tập, làm việc ở Việt Nam có thể vào học lớp một ở độ tuổi cao hơn so với quy định nhưng không quá 03 tuổi. Trường hợp trẻ em vào học lớp một vượt quá 03 tuổi so với quy định sẽ do trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quyết định.

(Điều 33 Điều lệ ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT)

(2) Hồ sơ tuyển sinh

Hiện nay, về Điều lệ Trường tiểu học không quy định cụ thể hồ sơ nhập học cho trẻ vào lớp 01 mà tùy vào các cơ sở giáo dục tiểu học tại từng địa phương yêu cầu hồ sơ nhập học. Tuy nhiên, hồ sơ cơ bản khi thực hiện thủ tục xin nhập học vào lớp 01 cho con gồm những loại giấy tờ sau:

- Phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 1 với trường hợp tuyển sinh bằng hình thức trực tiếp hoặc in phiếu trên hệ thống đối với trường hợp tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến;

- Bản sao Giấy khai sinh hợp lệ của trẻ;

- Giấy xác nhận nơi cư trú (thay cho bản sao sổ hộ khẩu, bản sao Giấy chứng nhận Tạm trú hoặc bản sao Giấy chứng nhận Lưu trú trước đây) hoặc giấy hẹn hoàn thành thủ tục nhập khẩu hoặc sổ tạm trú, giấy xác nhận cư trú tại địa phương.

Mặc dù vậy, nhiều địa phương hiện nay vẫn chưa áp dụng hình thức Giấy xác nhận nơi cư trú nên việc nộp hồ sơ liên quan đến thông tin cư trú sẽ do nhà trường, địa phương quyết định.

2.3 Tuyển sinh trung học cơ sở

(1) Đối tượng tuyển sinh

Đối tượng tuyển sinh là người đã hoàn thành chương trình tiểu học.

(2) Hồ sơ tuyển sinh

- Bản sao giấy khai sinh hợp lệ.

- Học bạ cấp tiểu học hoặc các hồ sơ khác có giá trị thay thế học bạ.

(3) Phương thức tuyển sinh

- Tuyển sinh trung học cơ sở theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh, sở giáo dục và đào tạo hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.

- Sở giáo dục và đào tạo quyết định tổ chức tuyển sinh trung học cơ sở.

(Chương II Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT sửa đổi tại Thông tư 05/2018/TT-BGDĐT)

2.4 Tuyển sinh trung học phổ thông

(1) Đối tượng tuyển sinh

Đối tượng tuyển sinh là người học đã tốt nghiệp trung học cơ sở chương trình giáo dục phổ thông hoặc chương trình giáo dục thường xuyên có độ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT.

(2) Hồ sơ tuyển sinh

- Bản sao giấy khai sinh hợp lệ.

- Bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học cơ sở tạm thời hoặc bản sao bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.

- Học bạ cấp trung học cơ sở.

- Giấy xác nhận chế độ ưu tiên do cơ quan có thẩm quyền cấp (nếu có).

- Giấy xác nhận do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cấp (đối với người học đã tốt nghiệp trung học cơ sở từ những năm học trước) không trong thời gian thi hành án phạt tù; cải tạo không giam giữ hoặc vi phạm pháp luật.

(3) Phương thức tuyển sinh

Tuyển sinh trung học phổ thông được tổ chức theo một trong ba phương thức sau:

- Xét tuyển: dựa trên kết quả rèn luyện, học tập của 4 năm học ở trung học cơ sở của đối tượng tuyển sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó;

- Thi tuyển;

- Kết hợp thi tuyển với xét tuyển.

(4) Đối tượng tuyển thẳng

Tuyển thẳng vào trung học phổ thông các đối tượng sau đây:

- Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú;

- Học sinh là người dân tộc rất ít người;

- Học sinh khuyết tật;

- Học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.

(5) Đối tượng được cộng điểm ưu tiên

Sở giáo dục và đào tạo quy định mức điểm cộng thêm cho từng nhóm đối tượng được cộng điểm ưu tiên với mức chênh lệch điểm cộng thêm giữa hai nhóm đối tượng được ưu tiên kế tiếp là 0,5 điểm tính theo thang điểm 10, gồm:

* Nhóm đối tượng 1:

- Con liệt sĩ;

- Con thương binh mất sức lao động 81% trở lên;

- Con bệnh binh mất sức lao động 81% trở lên;

- Con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên”.

- Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;

- Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945;

- Con của người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;

* Nhóm đối tượng 2:

- Con của Anh hùng lực lượng vũ trang, con của Anh hùng lao động, con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

- Con thương binh mất sức lao động dưới 81%;

- Con bệnh binh mất sức lao động dưới 81%;

- Con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%”.

* Nhóm đối tượng 3:

- Người có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số;

- Người dân tộc thiểu số;

- Người học đang sinh sống, học tập ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

(Chương III Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT sửa đổi tại Thông tư 05/2018/TT-BGDĐT)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,690

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn