Quyết định 217-QĐ/TW: Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
29/01/2024 10:33 AM

Cho tôi hỏi quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thế nào? - Khang Anh (Cần Thơ)

Quyết định 217-QĐ/TW: Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội

Quyết định 217-QĐ/TW: Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Giám sát và phản biện xã hội là gì?

Theo khoản 1, 2 và 3 Điều 1 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 217-QĐ/TW năm 2013 như sau:

- Giám sát là việc theo dõi, phát hiện, xem xét; đánh giá kiến nghị nhằm tác động đối với cơ quan, tổ chức và cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức nhà nước về việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Phản biện xã hội là việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

- Giám sát và phản biện xã hội là giám sát và phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.

2. Đối tượng và nội dung giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội 

Đối tượng và nội dung giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội theo Điều 5 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 217-QĐ/TW năm 2013 như sau:

* Đối tượng giám sát

- Các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến cơ sở.

- Cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức,viên chức nhà nước (sau đây gọi chung là cá nhân).

* Nội dung giám sát

Việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia) của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

3. Đối tượng và nội dung phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội

Đối tượng và nội dung phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội theo Điều 9 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 217-QĐ/TW năm 2013 như sau:

* Đối tượng phản biện xã hội

Các văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Nhà nước (trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia) phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình.

* Nội dung phản biện xã hội

- Sự cần thiết, tính cấp thiết của văn bản dự thảo.

- Sự phù hợp của văn bản dự thảo với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; thực tiễn của đơn vị, địa phương.

- Tính đúng đắn, khoa học, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính khả thi của văn bản dự thảo.

- Dự báo tác động, hiệu quả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của văn bản dự thảo.

4. Phương pháp giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội

Theo Điều 7 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 217-QĐ/TW năm 2013 thì phương pháp giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội như sau:

- Hằng năm, căn cứ vào tình hình thực tiễn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát báo cáo cấp ủy và chính quyền cùng cấp trước khi triển khai. Khi cần thiết có thể tổ chức giám sát ngoài kế hoạch.

Chương trình, kế hoạch giám sát được thống nhất với cơ quan quản lý nhà nước liên quan để hỗ trợ triển khai, bảo đảm giám sát thiết thực, đúng thực tế, có tác động tốt với đời sống chính trị, xã hội và nhân dân.

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp thu ý kiến phản ảnh của các thành viên, đoàn viên, hội viên, ý kiến của nhân dân, ý kiến của các chuyên gia và tổ chức khảo sát thực tế để có cơ sở kiến nghị với cơ quan Đảng, Nhà nước, cấp ủy và chính quyền cùng cấp.

- Giám sát thông qua việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về dân chủ ở cơ sở, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.

- Giám sát thông qua nghiên cứu văn bản, tài liệu, báo cáo của các cơ quan, tổ chức; đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân gửi Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và qua phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng.

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia các hoạt động giám sát do các cơ quan dân cử đề nghị.

5. Phương pháp phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội 

Phương pháp phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội theo Điều 11 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 217-QĐ/TW năm 2013 như sau:

- Tổ chức hội nghị các cơ quan lãnh đạo trực thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ban Chấp hành các đoàn thể chính trị - xã hội từng cấp.

- Tổ chức lấy ý kiến phản biện (thông qua tổ chức, cá nhân, đoàn viên, hội viên) trong hệ thống của tổ chức, đoàn thể mình hoặc gửi văn bản dự thảo đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến phản biện.

- Khi cần thiết, tổ chức đối thoại trực tiếp giữa chủ thể phản biện với cơ quan, tổ chức có văn bản dự thảo được phản biện.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 26,000

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn