Cách đánh giá đối với học sinh tiểu học năm học 2023-2024 (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh lớp 1, 2, 3 và 4 được được đánh giá theo Điều 9 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT; học sinh lớp 5 được đánh giá theo Điều 11 Quy định ban hành kèm Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT như sau:
Cuối năm học, căn cứ vào quá trình tổng hợp kết quả đánh giá về học tập từng môn học, hoạt động giáo dục và từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi, giáo viên chủ nhiệm thực hiện đánh giá kết quả giáo dục học sinh theo bốn mức:
(1) Hoàn thành xuất sắc: Những học sinh có kết quả:
- Đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt: Thực hiện tốt các yêu cầu học tập và thường xuyên có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục;
- Các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt: Đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục, biểu hiện rõ và thường xuyên;
- Bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn học đạt 9 điểm trở lên;
(2) Hoàn thành tốt: Những học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc, nhưng có kết quả:
- Đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt: Thực hiện tốt các yêu cầu học tập và thường xuyên có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục;
- Các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt: Đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục, biểu hiện rõ và thường xuyên;
- Bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 7 điểm trở lên;
(3) Hoàn thành: Những học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc và Hoàn thành tốt, nhưng có kết quả:
- Đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt: Thực hiện tốt các yêu cầu học tập và thường xuyên có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục hoặc Hoàn thành: Thực hiện được các yêu cầu học tập và có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục;
- Các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt: Đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục, biểu hiện rõ và thường xuyên hoặc Đạt: Đáp ứng được yêu cầu giáo dục, biểu hiện nhưng chưa thường xuyên;
- Bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 5 điểm trở lên;
(4) Chưa hoàn thành: Những học sinh không thuộc các đối tượng trên.
Vào cuối học kì I và cuối năm học, hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm họp với các giáo viên dạy cùng lớp, thông qua nhận xét quá trình và kết quả học tập, hoạt động giáo dục khác để tổng hợp đánh giá mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của từng học sinh về:
- Quá trình học tập từng môn học, hoạt động giáo dục khác, những đặc điểm nổi bật, sự tiến bộ, hạn chế, mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập theo chuẩn kiến thức, kĩ năng; năng khiếu, hứng thú về từng môn học, hoạt động giáo dục, xếp loại từng học sinh đối với từng môn học, hoạt động giáo dục thuộc một trong hai mức: Hoàn thành hoặc Chưa hoàn thành;
- Mức độ hình thành và phát triển năng lực: những biểu hiện nổi bật của năng lực, sự tiến bộ, mức độ hình thành và phát triển theo từng nhóm năng lực của học sinh; góp ý với học sinh, khuyến nghị với nhà trường, cha mẹ học sinh; xếp loại từng học sinh thuộc một trong hai mức: Đạt hoặc Chưa đạt;
- Mức độ hình thành và phát triển phẩm chất: những biểu hiện nổi bật của phẩm chất, sự tiến bộ, mức độ hình thành và phát triển theo từng nhóm phẩm chất của học sinh; góp ý với học sinh, khuyến nghị với nhà trường, cha mẹ học sinh; xếp loại từng học sinh thuộc một trong hai mức: Đạt hoặc Chưa đạt;
- Các thành tích khác của học sinh được khen thưởng trong học kì, năm học.