Nguyện vọng 1 là gì? Quy chế tuyển sinh đại học năm 2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
21/12/2023 11:01 AM

Xin hỏi trong tuyển sinh đại học thì nguyện vọng 1 là gì và Quy chế tuyển sinh đại học năm 2024 sẽ áp dụng theo quy định nào? - Đình Hoàng (Đồng Nai)

Nguyện vọng 1 là gì?

Nguyện vọng là những mong muốn được trúng tuyển vào ngành, vào trường mà bạn yêu thích nhất. Khi bạn đăng ký kết quả tổ hợp môn thi đầu tiên tại Hội đồng thi của trường đó và sẽ được trường đại học đó xếp loại. 

Khi đăng ký nguyện vọng sẽ có các nguyện vọng 1, nguyện vọng 2,3,4... Theo đó:

- Nguyện vọng 1 là nguyện vọng đăng ký vào trường, ngành mà bạn mong muốn. Nguyện vọng này xét tuyển đầu tiên tại Hội đồng thi của trường đại học, cao đẳng và được trường chấm điểm tuyển sinh. Nếu điểm số của bạn cao đủ điểm chuẩn của ngành đã đăng ký, tức là đã trúng tuyển trường đại học, cao đẳng đăng ký ở nguyện vọng 1 thì trường sẽ gửi về giấy báo nhập học cho bạn.

- Nguyện vọng 2 là nguyện vọng tiếp theo trong chuỗi trường đại học, cao đẳng mà bạn đăng ký xét tuyển nếu đã thi trượt nguyện vọng 1. Nếu bạn đủ điểm đậu nguyện vọng 2 thì trường sẽ gửi về giấy báo nhập học.

Nếu không đủ điểm đậu thì bạn đã trượt nguyện vọng 2 và tiếp tục xét tuyển nguyện vọng 3, 4...

Nguyện vọng 1 là gì? Quy chế tuyển sinh đại học năm 2024

Nguyện vọng 1 là gì? Quy chế tuyển sinh đại học năm 2024 (Hình từ internet)

Quy chế tuyển sinh đại học năm 2024

Tính đến thời điểm hiện thì thì Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non (gọi tắt là Quy chế) ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT vẫn đang có hiệu lực áp dụng. Do đó, có thể xác định Quy chế tuyển sinh đại học năm 2024 sẽ vẫn có thể được áp dụng theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT với các nội dung đáng chú ý sau:

(1) Đối tượng, điều kiện dự tuyển

- Đối tượng dự tuyển được xác định tại thời điểm xét tuyển (trước khi công bố kết quả xét tuyển chính thức), bao gồm:

+ Người đã được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) của Việt Nam hoặc có bằng tốt nghiệp của nước ngoài được công nhận trình độ tương đương;

+ Người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp ngành nghề thuộc cùng nhóm ngành dự tuyển và đã hoàn thành đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa cấp THPT theo quy định của pháp luật.

- Đối tượng dự tuyển nêu trên phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Đạt ngưỡng đầu vào theo quy định;

+ Có đủ sức khỏe để học tập theo quy định hiện hành;

+ Có đủ thông tin cá nhân, hồ sơ dự tuyển theo quy định.

- Đối với một chương trình đào tạo hoặc một ngành đào tạo áp dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh, cơ sở đào tạo có thể quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện dự tuyển cho mỗi phương thức tuyển sinh nhưng phải tuân thủ nguyên tắc không thí sinh nào bị mất cơ hội dự tuyển do những quy định không liên quan tới trình độ, năng lực (trừ những quy định của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng mang tính đặc thù trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh); hoặc do quy trình tuyển sinh gây phiền hà, tốn kém.

- Đối với thí sinh khuyết tật bị suy giảm khả năng học tập, cơ sở đào tạo thực hiện các biện pháp cần thiết và tạo điều kiện tốt nhất để thí sinh có nguyện vọng được đăng ký dự tuyển và theo học các ngành phù hợp với điều kiện sức khỏe của thí sinh.

(2) Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh

- Ưu tiên theo khu vực (theo Phụ lục I của Quy chế)

+ Mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 (KV1) là 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn (KV2-NT) là 0,5 điểm, khu vực 2 (KV2) là 0,25 điểm; khu vực 3 (KV3) không được tính điểm ưu tiên;

+ Khu vực tuyển sinh của mỗi thí sinh được xác định theo địa điểm trường mà thí sinh đã học lâu nhất trong thời gian học cấp THPT (hoặc trung cấp); nếu thời gian học (dài nhất) tại các khu vực tương đương nhau thì xác định theo khu vực của trường mà thí sinh theo học sau cùng;

+ Các trường hợp sau đây được hưởng ưu tiên khu vực theo nơi thường trú:

++ Học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú được hưởng các chế độ ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước theo quy định;

++ Học sinh có nơi thường trú (trong thời gian học cấp THPT hoặc trung cấp) trên 18 tháng tại các xã khu vực III và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Thủ tướng Chính phủ; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 (theo Quyết định 135/QĐ-TTg ngày 31/7/1998); các thôn, xã đặc biệt khó khăn tại các địa bàn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ nếu học cấp THPT (hoặc trung cấp) tại địa điểm thuộc huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có ít nhất một trong các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn.

++ Quân nhân; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong Công an nhân dân được cử đi dự tuyển, nếu đóng quân từ 18 tháng trở lên tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó hoặc theo nơi thường trú trước khi nhập ngũ, tùy theo khu vực nào có mức ưu tiên cao hơn; nếu đóng quân từ 18 tháng trở lên tại các khu vực có mức ưu tiên khác nhau thì hưởng ưu tiên theo khu vực có thời gian đóng quân dài hơn; nếu dưới 18 tháng thì hưởng ưu tiên khu vực theo nơi thường trú trước khi nhập ngũ;

Lưu ý: Thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.

- Ưu tiên theo đối tượng chính sách (theo Phụ lục II của Quy chế)

+ Mức điểm ưu tiên áp dụng cho nhóm đối tượng UT1 (gồm các đối tượng 01 đến 04) là 2,0 điểm và cho nhóm đối tượng UT2 (gồm các đối tượng 05 đến 07) là 1,0 điểm;

+ Mức điểm ưu tiên cho những đối tượng chính sách khác (được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành) do Bộ trưởng Bộ GDĐT quyết định;

+ Thí sinh thuộc nhiều diện đối tượng chính sách nêu trên chỉ được tính một mức điểm ưu tiên cao nhất.

- Các mức điểm ưu tiên được quy định trong Điều này tương ứng với tổng điểm 3 môn (trong tổ hợp môn xét tuyển) theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi (không nhân hệ số); trường hợp phương thức tuyển sinh sử dụng thang điểm khác thì mức điểm ưu tiên được quy đổi tương đương.

Lưu ý: Điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau: Điểm ưu tiên = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên nêu trên

Xem chi tiết Quy chế tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 19,662

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn