Các loại thiết bị nâng thông dụng theo QCVN 7: 2012/BLĐTBXH

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
14/10/2023 10:00 AM

Xin cho tôi hỏi QCVN 7: 2012/BLĐTBXH là quy chuẩn gì? Có bao nhiêu loại thiết bị nâng thông dụng theo Quy chuẩn này? – Minh Tuấn (Cà Mau)

Các loại thiết bị nâng thông dụng theo QCVN 7: 2012/BLĐTBXH

Các loại thiết bị nâng thông dụng theo QCVN 7: 2012/BLĐTBXH (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

QCVN 7: 2012/BLĐTBXH là quy chuẩn gì?

QCVN 7: 2012/BLĐTBXH là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với thiết bị nâng do Cục An toàn lao động biên soạn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành theo Thông tư 05/2012/TT-BLĐTBXH, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Các loại thiết bị nâng thông dụng theo QCVN 7: 2012/BLĐTBXH

Theo khoản 1.1 Mục 1 QCVN 7: 2012/BLĐTBXH, Quy chuẩn này áp dụng đối với các loại thiết bị nâng thông dụng sau:

- Cần trục kiểu cần: cần trục ô tô, cần trục bánh hơi, cần trục bánh xích, cần trục tháp, cần trục chân đế, cần trục đường sắt, cần trục công xôn, cần trục máy xúc.

- Cầu trục và cổng trục các loại.

- Máy nâng:

+ Xe tời chạy theo ray trên cao;

+ Pa lăng điện;

+ Tời điện;

+ Pa lăng tay, tời tay;

+ Máy nâng xây dựng có dùng cáp.

- Các loại bộ phận mang tải.

- Quy chuẩn này không áp dụng cho những thiết bị nâng sau:

+ Các loại máy xúc;

+ Các thiết bị nâng không dùng cáp hoặc xích;

+ Xe nâng hàng;

+ Thang máy;

+ Các thiết bị nâng được lắp đặt trên tàu biển, phương tiện thủy nội địa và trên các công trình biển.

08 yêu cầu an toàn khi sử dụng thiết bị nâng theo QCVN 7: 2012/BLĐTBXH

Cụ thể tại QCVN 7: 2012/BLĐTBXH đã quy định hững yêu cầu an toàn khi sử dụng thiết bị nâng như sau:

(1) Chỉ sử dụng thiết bị nâng có tình trạng kỹ thuật tốt, đã được kiểm định kỹ thuật an toàn đạt yêu cầu. Không sử dụng thiết bị nâng đã bị hư hỏng các chi tiết, bộ phận quan trọng;

(2) Bố trí thiết bị nâng làm việc theo đúng đặc tính kỹ thuật và trọng tải mà nhà chế tạo đã quy định (hoặc trọng tải do đơn vị quản lý sử dụng mới quy định lại sau khi cải tạo, sửa chữa…);

(3) Đảm bảo đủ ánh sáng và các yêu cầu an toàn khác cho chỗ nâng hạ, di chuyển tải;

(4) Bố trí đủ người làm việc cho mỗi thiết bị nâng. Tùy theo điều kiện làm việc cụ thể nhưng không được ít hơn 2 người;

(5) Phải có các biện pháp an toàn để đảm bảo an toàn cho người, vật tư, thiết bị và công trình trong khu vực hoạt động của thiết bị nâng.

(6) Tổ chức khắc phục kịp thời các hư hỏng đã được phát hiện;

(7) Mỗi thiết bị nâng phải có sổ theo dõi bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ, thay thế các bộ phận đủ nội dung hạng mục công việc theo quy định của nhà chế tạo;

(8) Mỗi thiết bị nâng phải có một sổ giao ca để ghi kết quả kiểm tra đầu ca và tình trạng thiết bị nâng trong suốt quá trình làm việc.

Thành phần hồ sơ kỹ thuật gốc của thiết bị nâng theo QCVN 7: 2012/BLĐTBXH

Thành phần hồ sơ kỹ thuật gốc của thiết bị nâng theo QCVN 7: 2012/BLĐTBXH bao gồm:

- Bản thuyết minh chung; bản tính chọn thiết bị điện, thủy lực hoặc khí nén; bản tính độ bền và độ ổn định của thiết bị nâng hoặc lý lịch của chúng;

- Bản vẽ tổng thể thiết bị nâng có ghi các kích thước và thông số chính;

- Bản vẽ sơ đồ nguyên lí hoạt động và các đặc trưng kỹ thuật chính của hệ thống truyền động điện, thủy lực hoặc khí nén, thiết bị điều khiển và bố trí các thiết bị an toàn;

- Bản vẽ các kết cấu kim loại;

- Bản vẽ lắp các cụm kết cấu của thiết bị nâng, sơ đồ mắc cáp;

- Quy trình chế tạo các bộ phận đặc biệt;

- Quy trình kiểm tra và thử tải;

- Hướng dẫn lắp ráp và vận hành an toàn.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,620

Bài viết về

lĩnh vực khác

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn