Trường hợp nào quyền sở hữu được xác lập đối với tài sản?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
27/09/2023 09:30 AM

Xin hỏi trường hợp nào quyền sở hữu được xác lập đối với tài sản? Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản có được từ lao động như thế nào? - Thanh Thảo (Long An)

Trường hợp nào quyền sở hữu được xác lập đối với tài sản? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Trường hợp nào quyền sở hữu được xác lập đối với tài sản?

Quyền sở hữu được xác lập đối với tài sản trong trường hợp sau đây:

- Do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, do hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.

- Được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.

- Thu hoa lợi, lợi tức.

- Tạo thành tài sản mới do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến.

- Được thừa kế.

- Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu; tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy; tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên; gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên.

- Chiếm hữu, được lợi về tài sản theo quy định tại Điều 236 Bộ luật Dân sự năm 2015.

- Trường hợp khác do luật quy định.

(Điều 221 Bộ luật Dân sự năm 2015)

2. Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản có được từ lao động như thế nào?

Theo Điều 222 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người lao động, người tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp có quyền sở hữu đối với tài sản có được từ lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, kể từ thời điểm có được tài sản đó.

Người tiến hành hoạt động sáng tạo có quyền sở hữu đối với tài sản có được từ hoạt động sáng tạo theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ năm 2005.

Như vậy, theo quy định nêu trên, người lao động có quyền sở hữu đối với tài sản có được từ lao động, quyền sở hữu được xác lập kể từ thời điểm có được tài sản đó. 

3. Xác lập quyền sở hữu theo hợp đồng

Người được giao tài sản thông qua hợp đồng mua bán, tặng cho, trao đổi, cho vay hoặc hợp đồng chuyển quyền sở hữu khác theo quy định của pháp luật thì có quyền sở hữu tài sản đó.

(Điều 223 Bộ luật Dân sự năm 2015)

4. Xác lập quyền sở hữu trong trường hợp sáp nhập

- Trường hợp tài sản của nhiều chủ sở hữu khác nhau được sáp nhập với nhau tạo thành vật không chia được và không thể xác định tài sản đem sáp nhập là vật chính hoặc vật phụ thì vật mới được tạo thành là tài sản thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu đó; 

Nếu tài sản đem sáp nhập là vật chính và vật phụ thì vật mới được tạo thành thuộc chủ sở hữu vật chính, kể từ thời điểm vật mới được tạo thành, chủ sở hữu tài sản mới phải thanh toán cho chủ sở hữu vật phụ phần giá trị của vật phụ đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Khi một người sáp nhập tài sản là động sản của người khác vào tài sản là động sản của mình, mặc dù đã biết hoặc phải biết tài sản đó không phải là của mình và cũng không được sự đồng ý của chủ sở hữu tài sản bị sáp nhập thì chủ sở hữu tài sản bị sáp nhập có một trong các quyền sau đây:

+ Yêu cầu người sáp nhập tài sản giao tài sản mới cho mình và thanh toán cho người sáp nhập giá trị tài sản của người đó;

+ Yêu cầu người sáp nhập tài sản thanh toán giá trị phần tài sản của mình và bồi thường thiệt hại nếu không nhận tài sản mới;

+ Quyền khác theo quy định của luật.

- Khi một người sáp nhập tài sản là động sản của người khác vào tài sản là bất động sản của mình, mặc dù đã biết hoặc phải biết tài sản đó không phải là của mình và cũng không được sự đồng ý của chủ sở hữu tài sản bị sáp nhập thì chủ sở hữu tài sản bị sáp nhập có một trong các quyền sau đây:

+ Yêu cầu người sáp nhập tài sản thanh toán giá trị phần tài sản của mình và bồi thường thiệt hại;

+ Quyền khác theo quy định của luật.

- Khi một người sáp nhập tài sản là động sản của mình vào một bất động sản của người khác thì chủ sở hữu bất động sản có quyền yêu cầu người sáp nhập dỡ bỏ tài sản sáp nhập trái phép và bồi thường thiệt hại hoặc giữ lại tài sản và thanh toán cho người sáp nhập giá trị tài sản sáp nhập, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

(Điều 225 Bộ luật Dân sự năm 2015)

Nguyễn Ngọc Quế Anh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 19,773

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn