Thời hạn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
13/09/2023 08:03 AM

Cho tôi hỏi thời hạn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân là bao nhiêu ngày? - Quế Trân (Tiền Giang)

Thời hạn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân

Thời hạn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thời hạn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân

Thời hạn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân theo Điều 8 Pháp lệnh 03/2022/UBTVQH15 như sau:

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Tòa án thụ lý hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính (sau đây gọi là hồ sơ đề nghị), Tòa án phải ra một trong các quyết định quy định tại điểm k khoản 3 Điều 21 Pháp lệnh 03/2022/UBTVQH15

Đối với vụ việc cần có thời gian kiểm tra, đánh giá, tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn hoặc các vụ việc phức tạp khác thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

2. Nguyên tắc xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân

Nguyên tắc xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân theo Điều 2 Pháp lệnh 03/2022/UBTVQH15 như sau:

- Việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải bảo đảm các nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính

Đối với người chưa thành niên còn phải tiến hành nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, giới, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của họ và các nguyên tắc xử lý quy định tại các khoản 1, 2, 4 và 5 Điều 134 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

- Bảo đảm quyền của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính (sau đây gọi là người bị đề nghị) được tham gia, trình bày ý kiến trước Tòa án, tranh luận tại phiên họp theo quy định của Pháp lệnh 03/2022/UBTVQH15.

- Bảo đảm quyền được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị.

Người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên có quyền tự mình hoặc nhờ luật sư, người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị. Người bị đề nghị thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý được đề nghị tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý.

Trường hợp người bị đề nghị là người chưa thành niên mà không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Tòa án yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý hoặc Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

- Việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính do 01 Thẩm phán thực hiện. Khi xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Bảo đảm sự vô tư của người tiến hành phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

- Tiếng nói và chữ viết dùng trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án là tiếng Việt. Người bị đề nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình, trường hợp này phải có người phiên dịch.

- Bảo đảm quyền được xem xét theo hai cấp trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

3. Thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân

Thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân theo Điều 3 Pháp lệnh 03/2022/UBTVQH15 như sau:

- Thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Tòa án nhân dân cấp huyện) được quy định như sau:

+ Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có trụ sở cơ quan của người đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính (sau đây gọi là người đề nghị), trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh 03/2022/UBTVQH15;

+ Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người bị đề nghị có hành vi vi phạm trong trường hợp người đề nghị là Trường Công an cấp huyện, Giám đốc Công an cấp tỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 99, khoản 1 Điều 100, khoản 2 Điều 101, khoản 1 Điều 102 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

- Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Tòa án nhân dân cấp tỉnh) có thẩm quyền xét lại quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,019

Bài viết về

lĩnh vực Vi phạm hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn