Thời gian nghỉ trong giờ làm việc với người lao động

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
04/09/2023 17:00 PM

Cho tôi hỏi thời gian nghỉ trong giờ làm việc với người lao động được quy định thế nào? - Thùy Dung (Cần Thơ)

Thời gian nghỉ trong giờ làm việc với người lao động

Thời gian nghỉ trong giờ làm việc với người lao động (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thời gian nghỉ trong giờ làm việc với người lao động

Thời gian nghỉ trong giờ làm việc với người lao động theo Điều 64 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:

- Thời gian nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục theo quy định tại khoản 1 Điều 109 Bộ luật Lao động 2019 được áp dụng đối với người lao động làm việc từ 06 giờ trở lên trong một ngày, trong đó có ít nhất 03 giờ làm việc trong khung giờ làm việc ban đêm quy định tại Điều 106 Bộ luật Lao động 2019.

Điều 106 Bộ luật Lao động 2019 quy định giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau.

- Thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc đối với trường hợp làm việc theo ca liên tục quy định tại khoản 3 Điều 63 Nghị định 145/2020/NĐ-CP ít nhất 30 phút, riêng trường hợp làm việc ban đêm thì được tính ít nhất 45 phút.

- Người sử dụng lao động quyết định thời điểm nghỉ trong giờ làm việc, nhưng không được bố trí thời gian nghỉ này vào thời điểm bắt đầu hoặc kết thúc ca làm việc.

- Ngoài trường hợp làm việc theo ca liên tục quy định tại khoản 3 Điều 63 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, khuyến khích các bên thương lượng thời gian nghỉ giữa giờ tính vào giờ làm việc.

2. Thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương với người lao động

Thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương với người lao động theo Điều 58 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:

- Nghỉ giữa giờ quy định khoản 2 Điều 64 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

- Nghỉ giải lao theo tính chất của công việc.

- Nghỉ cần thiết trong quá trình lao động đã được tính trong định mức lao động cho nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người.

- Thời giờ nghỉ đối với lao động nữ khi mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trong thời gian hành kinh theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019.

- Thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của người lao động.

- Thời giờ hội họp, học tập, tập huấn do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc được người sử dụng lao động đồng ý.

- Thời giờ người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 61 Bộ luật Lao động 2019.

- Thời giờ mà người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 176 Bộ luật Lao động 2019.

- Thời giờ khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, giám định y khoa để xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nếu thời giờ đó được thực hiện theo sự bố trí hoặc do yêu cầu của người sử dụng lao động.

- Thời giờ đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự, nếu thời giờ đó được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự.

3. Thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động

Thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động theo Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:

- Thời gian học nghề, tập nghề theo quy định tại Điều 61 Bộ luật Lao động 2019 nếu sau khi hết thời gian học nghề, tập nghề mà người lao động làm việc cho người sử dụng lao động.

- Thời gian thử việc nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động sau khi hết thời gian thử việc.

- Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương theo khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019.

- Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm.

- Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 6 tháng.

- Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng trong một năm.

- Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

- Thời gian thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà được tính là thời gian làm việc theo quy định của pháp luật.

- Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động.

- Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc nhưng sau đó được kết luận là không vi phạm hoặc không bị xử lý kỷ luật lao động.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,529

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn