05 điều cần biết về đại học quốc gia

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
10/08/2023 11:27 AM

Đại học quốc gia là gì? Các đơn vị thành viên của đại học quốc gia được quy định như thế nào? - Diễm Xuân (Tiền Giang)

05 điều cần biết về đại học quốc gia

05 điều cần biết về đại học quốc gia (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Đại học quốc gia là gì?

Theo khoản 1 Điều 8 Luật Giáo dục đại học 2012 thì đại học quốc gia là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển.

2. Các đơn vị thành viên của đại học quốc gia

Các đơn vị thành viên của đại học quốc gia theo Điều 7 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 26/2014/QĐ-TTg như sau:

- Trường đại học thành viên hoạt động theo Điều lệ trường đại học và Quy chế này. Trong trường hợp có nội dung không thống nhất giữa 2 văn bản thì thực hiện theo quy định tại  Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 26/2014/QĐ-TTg

Hiệu trưởng trường đại học thành viên chịu trách nhiệm về tất cả các hoạt động của trường; là người đại diện pháp lý của trường đại học thành viên trong quan hệ với Đại học quốc gia, các tổ chức và cá nhân trong nước, ngoài nước.

- Viện nghiên cứu khoa học thành viên hoạt động theo các quy định hiện hành của Nhà nước đối với các tổ chức khoa học công nghệ công lập và Quy chế này. Trong trường hợp có nội dung không thống nhất giữa các văn bản thì được áp dụng thực hiện theo quy định tại  Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 26/2014/QĐ-TTg.

- Cơ cấu tổ chức của trường đại học và viện nghiên cứu khoa học thành viên do Giám đốc Đại học quốc gia quy định theo yêu cầu bảo đảm tính thống nhất, hợp lý, hiệu quả, liên thông và không mâu thuẫn với Điều lệ trường đại học.

3. Cơ cấu tổ chức của Đại học quốc gia

Cơ cấu tổ chức của Đại học quốc gia theo Điều 4 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 26/2014/QĐ-TTg như sau:

- Hội đồng Đại học quốc gia.

- Giám đốc, phó giám đốc.

- Văn phòng và các ban chức năng được tổ chức theo nguyên tắc tinh gọn, hiệu quả.

- Các trường đại học thành viên; các viện nghiên cứu khoa học thành viên (sau đây gọi chung là các đơn vị thành viên).

- Các khoa trực thuộc; các trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ; phân hiệu (nếu có); các tổ chức phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; bệnh viện, nhà xuất bản, tạp chí khoa học (sau đây gọi chung là các đơn vị trực thuộc).

- Hội đồng khoa học và đào tạo; một số hội đồng tư vấn khác.

4. Các đơn vị trực thuộc của Đại học quốc gia

Các đơn vị trực thuộc của Đại học quốc gia theo Điều 8 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 26/2014/QĐ-TTg như sau:

- Văn phòng và các ban chức năng:

Văn phòng và các ban chức năng của Đại học quốc gia là đơn vị trực thuộc; có chức năng tham mưu, giúp Giám đốc Đại học quốc gia trong công tác lãnh đạo, quản lý và điều hành các hoạt động của Đại học quốc gia.

- Khoa trực thuộc Đại học quốc gia:

Khoa trực thuộc Đại học quốc gia là đơn vị trực thuộc; có chức năng đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và nghiên cứu khoa học và công nghệ; chịu sự quản lý toàn diện, trực tiếp của Đại học quốc gia.

- Trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ trực thuộc Đại học quốc gia:

Trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ trực thuộc Đại học quốc gia là đơn vị trực thuộc; có chức năng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, không có chức năng đào tạo, liên kết đào tạo cấp văn bằng.

- Các tổ chức phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng; cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trực thuộc Đại học quốc gia:

Các tổ chức phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng; tổ chức dịch vụ là đơn vị trực thuộc được thành lập để phục vụ cho đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, triển khai các hoạt động có liên quan đến sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, các dịch vụ về thông tin, tư vấn, phổ biến và ứng dụng tri thức khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất. Các tổ chức phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng; tổ chức dịch vụ không có chức năng đào tạo cấp văn bằng.

- Giám đốc Đại học quốc gia quyết định thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị trực thuộc Đại học quốc gia trên cơ sở quyết nghị của Hội đồng Đại học quốc gia và theo quy định pháp luật; ban hành quy chế tổ chức và hoạt động; thực hiện chức năng quản lý, giám sát; trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị trực thuộc theo quy định hiện hành.

5. Quy định về Giám đốc và Phó Giám đốc Đại học quốc gia

Quy định về Giám đốc và Phó Giám đốc Đại học quốc gia theo Điều 6 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 26/2014/QĐ-TTg như sau:

- Giám đốc Đại học quốc gia là người đứng đầu, đại diện pháp lý của Đại học quốc gia trong quan hệ với các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước theo quy định pháp luật, chịu trách nhiệm quản lý và điều hành tất cả các mặt hoạt động của Đại học quốc gia. 

Giám đốc Đại học quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; có nhiệm kỳ là 5 năm và không giữ quá 2 nhiệm kỳ liên tục.

Tiêu chuẩn Giám đốc Đại học quốc gia: có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có uy tín trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học; có ít nhất 5 năm tham gia quản lý từ cấp khoa, phòng hoặc tương đương trở lên của cơ sở giáo dục đại học; có trình độ tiến sĩ và chức danh phó giáo sư trở lên; có sức khỏe tốt, độ tuổi khi bổ nhiệm lần đầu đủ tham gia ít nhất một nhiệm kỳ.

- Phó Giám đốc Đại học quốc gia giúp Giám đốc Đại học quốc gia phụ trách các lĩnh vực công tác do Giám đốc Đại học quốc gia phân công. Phó Giám đốc Đại học quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Đại học quốc gia, Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Nhiệm kỳ của Phó Giám đốc Đại học quốc gia theo nhiệm kỳ của Giám đốc Đại học quốc gia.

Tiêu chuẩn Phó Giám đốc Đại học quốc gia: Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có uy tín trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học; có ít nhất 5 năm tham gia quản lý từ cấp bộ môn hoặc tương đương trở lên của cơ sở giáo dục đại học; có trình độ tiến sĩ và chức danh phó giáo sư trở lên; có sức khỏe tốt, độ tuổi khi bổ nhiệm lần đầu đủ tham gia ít nhất một nhiệm kỳ.

- Nhiệm vụ và quyền hạn của Giám đốc và Phó Giám đốc Đại học quốc gia thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định 186/2013/NĐ-CP.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,696

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn