Mức phạt trồng cây lấn chiếm đường bộ, đất hành lang an toàn đường bộ gây cản trở giao thông (Hình từ internet)
Về vấn đên này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo Khoản 1 Điều 3 Thông tư 50/2015/TT-BGTVT quy định về đất của đường bộ thì đường bộ bao gồm:
- Đường (nền đường, mặt đường, lề đường, hè phố);
- Cầu đường bộ (cầu vượt sông, cầu vượt khe núi, cầu vượt trong đô thị, cầu vượt đường bộ, cầu vượt đường sắt, cầu vượt biển), kể cả cầu dành cho người đi bộ;
- Hầm đường bộ (hầm qua núi, hầm ngầm qua sông, hàm chui qua đường bộ, hầm chui qua đường sắt, hầm chui qua đô thị), kể cả hầm dành cho người đi bộ;
- Bến phà, cầu phao đường bộ, đường ngầm, đường tràn.
Theo Khoản 5 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định thì hành lang an toàn đường bộ là dải đất dọc hai bên đất của đường bộ, tính từ mép ngoài đất của đường bộ ra hai bên để bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.
Theo Khoản 2 Điều 28 Nghị định 11/2020/NĐ-CP quy định về khai thác, sử dụng phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ thì trường hợp trồng cây lương thực, hoa màu, cây ăn quả thì chiều cao của cây không cao quá 0,9 mét (so với mặt đường) ở đoạn nền đường đắp trong khu vực đường cong, nơi giao nhau của đường bộ, giao cắt đường bộ với đường sắt, che khuất tầm nhìn; đối với đường đào thì phải trồng cách mép ngoài dải đất của đường bộ ít nhất là 06 mét.
Căn cứ theo Điều 175 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.
Theo quy định trên, người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Bên cạnh đó, theo Điều 604 Bộ luật Dân sự 2015, quy định về bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra như sau trường hợp cây cối gây ra thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hạị
Căn cứ vào Khoản 6 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với hành vi lấn chiếm đất, trường hợp lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn giao thông đường bộ và đất công trình giao thông có hành lang bảo vệ thì mức xử phạt được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt.
Theo Khoản 2 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định các vi phạm về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thò trong đó bao gồm xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ như sau:
- Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với cá nhân, từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Sử dụng, khai thác tạm thời trên đất hành lang an toàn đường bộ vào mục đích canh tác nông nghiệp làm ảnh hưởng đến an toàn công trình đường bộ và an toàn giao thông;
+ Trồng cây trong phạm vi đất dành cho đường bộ làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông;
+ Chiếm dụng dải phân cách giữa của đường đôi làm nơi: Bày, bán hàng hóa; để vật liệu xây dựng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 5; Điểm d, Điểm e Khoản 6 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP;
+ Họp chợ, mua, bán hàng hóa trong phạm vi đất của đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm d Khoản 5; Điểm d, Điểm i Khoản 6 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP;
+ Xả nước ra đường bộ không đúng nơi quy định, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm h Khoản 6 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Ngoài ra, theo Điểm b Khoản 10 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì người thực hiện hành vi quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 2 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP buộc phải di dời cây trồng không đúng quy định và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
Như vậy, mức phạt trồng cây lấn chiếm đường bộ, đất hành lang an toàn đường bộ gây cản trở giao thông có thể bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với cá nhân, từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với tổ chức và buộc phải di dời cây trồng không đúng quy định và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
Để giúp mọi người thuận tiện trong việc tra cứu các mức phạt vi phạm giao thông,
THƯ VIỆN PHÁP LUẬT đã cho ra đời iThong – App tra cứu mức phạt giao thông:
Tải về App iThong trên Android TẠI ĐÂY
Tải về App iThong trên iOS TẠI ĐÂY
Hoặc Quét mã QR dưới đây:
Nguyễn Phạm Nhựt Tân