Quy định đóng BHXH từ ngày 01/7/2023: Kế toán, nhân sự, NLĐ cần biết điều này

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
26/06/2023 08:29 AM

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT tổng hợp các giải đáp thắc mắc về quy định đóng BHXH năm 2023 mà kế toán, nhân sự và người lao động cần chú ý.

Mức đóng BHXH bắt buộc từ ngày 01/7/2023 tối đa là bao nhiêu?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Mà theo quy định tại Nghị định 24/2023/NĐ-CP thì từ ngày 01/7/2023, mức lương cơ sở chính thức tăng lên 1,8 triệu đồng.

Do đó, mức lương đóng BHXH bắt buộc tối đa từ ngày 01/7/2023 là 36.000.000 đồng (hiện hành mức tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc tối đa là 29.800.000 đồng/tháng).

Các khoản thu nhập tính đóng BHXH gồm những khoản nào?

Tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác quy định tại điểm a, tiết b1 điểm b và tiết c1 điểm c khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH. Cụ thể:

(1) Mức lương theo công việc hoặc chức danh.

(2) Phụ cấp lương theo thỏa thuận của hai bên.

(3) Các khoản bổ sung khác theo thỏa thuận của hai bên.

>> XEM NỘI DUNG CHI TIẾT TẠI ĐÂY

Quy định mới về mức đóng BHXH bắt buộc tối đa từ ngày 01/7/2023

Quy định mới về mức đóng BHXH bắt buộc tối đa từ ngày 01/7/2023 (Hình từ internet)

Phụ cấp chuyên cần có đóng BHXH không?

Tại Công văn 3016/LĐTBXH-BHXH ngày 30/7/2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có hướng dẫn khoản tiền phụ cấp chuyên cần không xác định được trước sẽ không được xác định là khoản tiền lương phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Do đó, trường hợp khoản phụ cấp chuyên cần không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương thì không tính đóng BHXH.

Phụ cấp xăng xe, điện thoại có phải đóng BHXH không?

Khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH quy định các khoản thu nhập sau đây không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc:

(1) Các chế độ và phúc lợi khác như thưởng theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019; tiền thưởng sáng kiến;

(2) Tiền ăn giữa ca;

(2) Các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ, đi lại;

(3) Hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, sinh nhật của người lao động, người lao động có người thân kết hôn, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

(2) Các khoản trợ cấp, hỗ trợ khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động quy định tại tiết c2 điểm c khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH.

Như vậy, các khoản phụ cấp xăng xe, phụ cấp điện thoại không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Khoản phụ cấp nhà ở có tính vào tiền lương đóng BHXH không?

Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại của Bộ luật lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ...

Theo quy định nêu trên thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác. Do đó, đối với khoản phụ cấp nhà ở mà người lao động nhận được sẽ không được tính vào tiền lương đóng bảo hiểm xã hội.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 66,292

Bài viết về

Bảo hiểm xã hội

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn