Mức phạt hành chính hành vi vi phạm quy định về bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
17/06/2023 16:32 PM

Xin hỏi mức xử phạt hành chính hành vi vi phạm quy định về bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy như thế nào? Biện pháp khắc phục hậu quả hành vi trên như thế nào? - Quốc Khánh (Kiên Giang)

Mức phạt hành chính hành vi vi phạm quy định về bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy

Mức phạt hành chính hành vi vi phạm quy định về bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tài nguyên nước

Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 36/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 04/2022/NĐ-CP) quy định về mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước như sau: 

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

- Cảnh cáo;

- Phạt tiền.

- Tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành.

Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250.000.000 đồng đối với cá nhân và 500.000.000 đồng đối với tổ chức. 

2. Mức phạt hành chính hành vi vi phạm quy định về bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy

Mức xử phạt hành hành chính hành vi vi phạm các quy định về bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy được quy định cụ thể tại Điều 25 Nghị định 36/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 04/2022/NĐ-CP) như sau:

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đặt vật cản, chướng ngại vật, trồng cây gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông, suối, hồ, kênh rạch.

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi đặt đường ống hoặc dây cáp bắc qua sông, suối, kênh, rạch, đặt lồng, bè không phù hợp với tiêu chuẩn phòng, chống lũ, các yêu cầu kỹ thuật có liên quan theo quy định của pháp luật gây cản trở dòng chảy.

- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi khai thác khoáng sản, xây dựng công trình, vật kiến trúc nổi trên sông, xây dựng cầu, cảng sông, bến tàu phà tiếp nhận tàu và các công trình thủy khác trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước hoặc trong lòng, bờ, bãi sông, hồ không phù hợp với tiêu chuẩn phòng, chống lũ, các yêu cầu kỹ thuật có liên quan theo quy định của pháp luật gây cản trở dòng chảy.

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

+ Nạo vét, khơi thông luồng để mở mới, cải tạo, nâng cấp luồng, tuyến giao thông thủy nội địa (trừ duy tu, bảo dưỡng định kỳ các tuyến đường thủy nội địa hiện có) hoặc kè bờ, gia cố bờ sông (trừ công trình kè bờ, chỉnh trị sông để phòng, chống thiên tai); cải tạo cảnh quan các vùng đất ven sông không đúng phương án thực hiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận;

+ San lấp hồ, ao, đầm, phá nằm trong danh mục hồ, ao, đầm phá không được san lấp do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

+ Không tạm dừng hoạt động nạo vét, khơi thông luồng để mở mới luồng, tuyến giao thông thủy nội địa, khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, hồ khi thấy có hiện tượng sạt, lở bờ tại khu vực trong quá trình hoạt động.

- Phạt tiền đối với hành vi san lấp sông, suối, kênh, rạch gây thu hẹp dòng chảy không được cơ quan có nhà nước có thẩm quyền chấp thuận như sau:

+Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi gây thu hẹp dưới 5% mặt cắt ngang sông, suối, kênh, rạch;

+ Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi gây thu hẹp từ 5% đến dưới 20% mặt cắt ngang sông, suối, kênh, rạch;

+ Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi gây thu hẹp từ 20% đến dưới 30% mặt cắt ngang sông, suối, kênh, rạch;

+ Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi gây thu hẹp từ 30% đến dưới 50% mặt cắt ngang sông, suối, kênh, rạch;

+ Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi gây thu hẹp từ 50% mặt cắt ngang sông, suối, kênh, rạch trở lên.

- Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

+ Kè bờ, gia cố bờ sông, nạo vét, khơi thông luồng để mở mới luồng, tuyến giao thông thủy nội địa, xây dựng công trình thủy, khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, hồ không đúng phương án thực hiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận gây sạt, lở lòng, bờ, bãi sông hoặc gây ngập úng nặng vùng đất ven sông;

+ Sử dụng phần diện tích lấn sông không đúng mục đích được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

- Đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2, 3 và khoản 5 Điều 25 Nghị định 36/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 04/2022/NĐ-CP) thuộc kênh, rạch của hệ thống công trình thủy lợi áp dụng xử phạt theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy lợi.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả hành vi vi phạm các quy định về bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy

- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm quy định trên gây ra;

- Buộc phá dỡ công trình, dỡ bỏ, di dời các vật gây cản trở dòng chảy đối với các hành vi vi phạm quy định trên;

- Buộc phá dỡ công trình, dỡ bỏ, di dời các vật thể trên phần diện tích lấn sông đối với hành vi vi phạm tại điểm b khoản 6 Điều 25 Nghị định 36/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 04/2022/NĐ-CP).

(Khoản 9 Điều 25 Nghị định 36/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 04/2022/NĐ-CP)

Nguyễn Ngọc Quế Anh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,861

Bài viết về

lĩnh vực Vi phạm hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn