Vai trò của trợ giúp viên pháp lý trong vụ án dân sự

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
16/06/2023 10:19 AM

Xin hỏi người thực hiện trợ giúp pháp lý gồm những ai? Vai trò của trợ giúp viên pháp lý trong vụ án dân sự là gì? - Trần Quý (Lâm Đồng)

Vai trò của trợ giúp viên pháp lý trong vụ án dân sự

Vai trò của Trợ giúp viên pháp lý trong tố tụng dân sự (Hình từ internet)

Về vấn đề trên, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Người thực hiện trợ giúp pháp lý gồm những ai?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 17 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định người thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm:

- Trợ giúp viên pháp lý;

- Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo phân công của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý;

- Tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên làm việc tại tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý;

- Cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

2. Sự tham gia của trợ giúp viên pháp lý trong vụ án dân sự

Tại khoản 2 Điều 75 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định cụ thể người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng dân sự như sau:

Những người sau đây được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khi có yêu cầu của đương sự và được Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự:

- Luật sư tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật về luật sư;

- Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý;

- Đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong vụ việc lao động theo quy định của pháp luật về lao động, công đoàn;

- Công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không có án tích hoặc đã được xóa án tích, không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; không phải là cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát và công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an.

Như vậy, trợ giúp viên pháp lý tham gia trong vụ án dân sự với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

3. Quyền và nghĩa vụ của Trợ giúp viên pháp lý trong vụ án dân sự

Căn cứ theo Điều 76 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định quyền và nghĩa vụ của Trợ giúp viên pháp lý trong vụ án dân sự bao gồm:

- Tham gia tố tụng từ khi khởi kiện hoặc bất cứ giai đoạn nào trong quá trình tố tụng dân sự.

- Thu thập và cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án; nghiên cứu hồ sơ vụ án và được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ án để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

- Tham gia việc hòa giải, phiên họp, phiên tòa hoặc trường hợp không tham gia thì được gửi văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cho Tòa án xem xét.

- Thay mặt đương sự yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

- Giúp đương sự về mặt pháp lý liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ; trường hợp được đương sự ủy quyền thì thay mặt đương sự nhận giấy tờ, văn bản tố tụng mà Tòa án tống đạt hoặc thông báo và có trách nhiệm chuyển cho đương sự.

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình.

- Phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án và chấp hành quyết định của Tòa án trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc.

- Đề nghị Tòa án đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng.

- Đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ việc theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

- Đưa ra câu hỏi với người khác về vấn đề liên quan đến vụ án hoặc đề xuất với Tòa án những vấn đề cần hỏi người khác; được đối chất với nhau hoặc với người làm chứng.

- Tranh luận tại phiên tòa, đưa ra lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng.

Như vậy, từ quy định về quyền và nghĩa vụ của trợ giúp viên pháp lý trong vụ án dân sự đã thể hiện rõ vai trò của trợ giúp viên pháp lý rất quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự. Việc tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý đã góp phần quan trọng giúp cho Hội đồng xét xử ban hành những bản án nghiêm minh, công bằng, dân chủ và đúng pháp luật, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân.

 Nguyễn Ngọc Quế Anh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,692

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn