Người làm chứng cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Toà án bị xử lý thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
09/05/2023 17:00 PM

Cho tôi hỏi pháp luật quy định người làm chứng cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Toà án bị xử lý như thế nào? - Vân Anh (Thái Bình)

Người làm chứng cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Toà án bị xử lý thế nào?

Người làm chứng cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Toà án bị xử lý thế nào? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Người làm chứng có phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án hay không?

Theo khoản 8 Điều 78 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, người làm chứng có nghĩa vụ phải có mặt tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án nếu việc lấy lời khai của người làm chứng phải thực hiện công khai tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp; 

Trường hợp người làm chứng không đến phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ cản trở việc xét xử, giải quyết thì: 

Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự có thể ra quyết định dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa, phiên họp, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên.

2. Người làm chứng cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Toà án bị xử lý thế nào?

Người làm chứng cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Toà án bị xử lý theo quy định tại Điều 490 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 như sau:

(i) Người làm chứng đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng cố ý không đến Tòa án hoặc không có mặt tại phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và nếu sự vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc thu thập, xác minh chứng cứ hoặc giải quyết vụ việc thì bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

(ii) Trong trường hợp quy định (i), Tòa án có quyền ra quyết định dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa, phiên họp, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên. 

Quyết định dẫn giải người làm chứng phải ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định; họ, tên, chức vụ người ra quyết định; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người làm chứng; thời gian, địa điểm người làm chứng phải có mặt.

(iii) Cơ quan công an có nhiệm vụ thi hành quyết định của Tòa án dẫn giải người làm chứng. 

Người thi hành quyết định dẫn giải người làm chứng phải đọc, giải thích quyết định dẫn giải cho người bị dẫn giải biết và lập biên bản về việc dẫn giải.

3. Mức xử phạt đối với hành vi cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Toà án của người làm chứng

Căn cứ tại Điều 16 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 quy định hành vi cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án sẽ bị xử phạt như sau: 

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người làm chứng đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng cố ý không đến Tòa án hoặc không có mặt tại phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và nếu sự vắng mặt của họ gây trở ngại cho hoạt động tố tụng của Tòa án.

Như vậy, người làm chứng cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Toà án mà không có lý do chính đáng và sự vắng mặt của họ gây trở ngại cho hoạt động tố tụng của Tòa án sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

4. Ai phải chịu chi phí cho người làm chứng?

Theo Điều 167 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, chi phí cho người làm chứng được quy định như sau:

- Chi phí hợp lý và thực tế cho người làm chứng do đương sự chịu.

- Người đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng phải chịu tiền chi phí cho người làm chứng nếu lời làm chứng phù hợp với sự thật nhưng không đúng với yêu cầu của người đề nghị. 

Trường hợp lời làm chứng phù hợp với sự thật và đúng với yêu cầu của người đề nghị triệu tập người làm chứng thì chi phí này do đương sự có yêu cầu độc lập với yêu cầu của người đề nghị chịu.

Nguyễn Thị Hoài Thương

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,632

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn