Thời điểm lập hóa đơn khi kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
29/04/2023 12:00 PM

Thời điểm lập hóa đơn khi kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi hiện nay được xác định thế nào? - Ngọc Tuyên (Đồng Nai)

Thời điểm lập hóa đơn khi kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi

Thời điểm lập hóa đơn khi kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thời điểm lập hóa đơn khi kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi

Theo điểm m khoản 4 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định thời điểm lập hóa đơn đối với kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có sử dụng phần mềm tính tiền theo quy định của pháp luật:

- Tại thời điểm kết thúc chuyến đi, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có sử dụng phần mềm tính tiền thực hiện gửi các thông tin của chuyến đi cho khách hàng và gửi về cơ quan thuế theo định dạng dữ liệu của cơ quan thuế.

Các thông tin gồm: 

+ Tên đơn vị kinh doanh vận tải;

+ Biển kiểm soát xe;

+ Cự ly chuyến đi (tính theo km);

+ Tổng số tiền hành khách phải trả.

- Trường hợp khách hàng lấy hóa đơn điện tử thì khách hàng cập nhật hoặc gửi các thông tin đầy đủ (tên, địa chỉ, mã số thuế) vào phần mềm hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ. 

Căn cứ thông tin khách hàng gửi hoặc cập nhật, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có sử dụng phần mềm tính tiền thực hiện gửi hóa đơn của chuyến đi cho khách hàng, đồng thời chuyển dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế theo quy định tại Điều 22 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

2. Quy định chung về thời điểm lập hóa đơn khi bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ

Quy định chung về thời điểm lập hóa đơn khi bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ theo khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP như sau:

- Thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa (bao gồm cả bán tài sản nhà nước, tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước và bán hàng dự trữ quốc gia) là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

- Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).

- Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.

3. Các loại hóa đơn hiện nay

Các loại hóa đơn theo khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 8 Nghị định 123/2020/NĐ-CP như sau:

* Hóa đơn giá trị gia tăng là hóa đơn dành cho các tổ chức khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ sử dụng cho các hoạt động:

- Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa;

- Hoạt động vận tải quốc tế;

- Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;

- Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.

* Hóa đơn bán hàng là hóa đơn dành cho các tổ chức, cá nhân như sau:

- Tổ chức, cá nhân khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp sử dụng cho các hoạt động:

+ Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa;

+ Hoạt động vận tải quốc tế;

+ Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;

+ Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.

- Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ vào nội địa và khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan với nhau, xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài, trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan”.

* Hóa đơn điện tử bán tài sản công được sử dụng khi bán các tài sản sau:

- Tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị (bao gồm cả nhà ở thuộc sở hữu nhà nước);

- Tài sản kết cấu hạ tầng;

- Tài sản công được Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

- Tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước;

- Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân;

- Tài sản công bị thu hồi theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền;

- Vật tư, vật liệu thu hồi được từ việc xử lý tài sản công.

* Hóa đơn điện tử bán hàng dự trữ quốc gia được sử dụng khi các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống cơ quan dự trữ nhà nước bán hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật.

* Các loại hóa đơn khác, gồm:

- Tem, vé, thẻ có hình thức và nội dung quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP;

- Phiếu thu tiền cước vận chuyển hàng không; chứng từ thu cước phí vận tải quốc tế; chứng từ thu phí dịch vụ ngân hàng trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 5 Điều 8 Nghị định 123/2020/NĐ-CP có hình thức và nội dung được lập theo thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật có liên quan.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,055

Bài viết về

Hóa đơn điện tử

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn