Mã số hộ kinh doanh là gì? Quy trình tạo mã số hộ kinh doanh

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
21/04/2023 13:56 PM

Mã số hộ kinh doanh là gì? Việc tạo mã số hộ kinh doanh được thực hiện theo quy trình nào? – Quốc Vĩnh (Thái Bình)

Mã số hộ kinh doanh là gì? Quy trình tạo mã số hộ kinh doanh

Mã số hộ kinh doanh là gì? Quy trình tạo mã số hộ kinh doanh (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Mã số hộ kinh doanh là gì?

Mã số hộ kinh doanh là dãy số được tạo tự động bởi Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế và truyền sang hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh để cấp cho hộ kinh doanh khi đăng ký hộ kinh doanh. Mã số hộ kinh doanh được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Mã số này đồng thời là mã số thuế của hộ kinh doanh.

(Khoản 1 Điều 5b Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT, được bổ sung bởi Thông tư 02/2023/TT-BKHĐT)

2. Quy trình tạo mã số hộ kinh doanh

Việc tạo mã số hộ kinh doanh được thực hiện theo quy trình sau:

- Khi hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh truyền thông tin đăng ký thành lập hộ kinh doanh sang Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế;

- Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế nhận thông tin đăng ký thành lập hộ kinh doanh từ hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh truyền sang và tự động kiểm tra sự phù hợp của thông tin theo quy định của pháp luật về đăng ký thuế.

Trường hợp thông tin phù hợp theo quy định của pháp luật về đăng ký thuế, Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế tự động tạo mã số hộ kinh doanh và thực hiện phân cấp cơ quan thuế quản lý đối với hộ kinh doanh; đồng thời truyền các thông tin này sang hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh.

Trường hợp thông tin không phù hợp theo quy định của pháp luật về đăng ký thuế, Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế tự động phản hồi về việc thông tin không phù hợp và truyền sang hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh;

- Trên cơ sở thông tin do Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế cung cấp, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và Thông báo về cơ quan thuế quản lý trực tiếp cho người thành lập hộ kinh doanh; trường hợp hồ sơ chưa đủ điều kiện cấp, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải ra Thông báo về việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

(Khoản 2 Điều 5b Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT, được bổ sung bởi Thông tư 02/2023/TT-BKHĐT)

Thông tư 02/2023/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 01/7/2023.

3. Một số quy định về hộ kinh doanh

3.1. Quyền và nghĩa vụ của chủ hộ kinh doanh

- Chủ hộ kinh doanh thực hiện các nghĩa vụ về thuế, các nghĩa vụ tài chính và các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật.

- Chủ hộ kinh doanh đại diện cho hộ kinh doanh với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

- Chủ hộ kinh doanh có thể thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh. Trong trường hợp này, chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh vẫn chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác phát sinh từ hoạt động kinh doanh.

- Chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh chịu trách nhiệm đối với các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh.

- Các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

(Điều 81 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)

3.2. Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh

- Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh được cấp cho hộ kinh doanh thành lập và hoạt động theo quy định tại Nghị định này.

Hộ kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;

+ Tên của hộ kinh doanh được đặt theo đúng quy định tại Điều 88 Nghị định này;

+ Có hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh hợp lệ;

+ Nộp đủ lệ phí đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.

- Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh được cấp trên cơ sở thông tin trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh do người thành lập hộ kinh doanh tự khai và tự chịu trách nhiệm.

- Các thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh có giá trị pháp lý kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và hộ kinh doanh có quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Trường hợp hộ kinh doanh đăng ký ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh sau ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh thì hộ kinh doanh được quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

- Hộ kinh doanh có thể nhận Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện hoặc đăng ký và trả phí để nhận qua đường bưu điện.

- Hộ kinh doanh có quyền yêu cầu Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cấp bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và nộp phí theo quy định.

(Điều 82 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,980

Bài viết về

lĩnh vực Doanh nghiệp

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn