04 trường hợp huy động công an xã phối hợp với CSGT kiểm soát giao thông đường bộ

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
19/04/2023 07:55 AM

Thỉnh thoảng tôi thấy công an xã phối hợp với CSGT kiểm soát giao thông đường bộ. Vậy pháp luật quy định về trường hợp này như thế nào? – Minh Tài (Bình Phước)

04 trường hợp huy động công an xã phối hợp với CSGT kiểm soát giao thông đường bộ

04 trường hợp huy động công an xã phối hợp với CSGT kiểm soát giao thông đường bộ (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Nguyên tắc huy động công an xã phối hợp với CSGT kiểm soát giao thông đường bộ

- Việc huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ chỉ thực hiện trong những trường hợp cần thiết tại mục 2 và do người có thẩm quyền tại mục 3 quyết định bằng văn bản.

- Mọi hoạt động trong khi tham gia, phối hợp tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải thực hiện theo quy định của Nghị định 27/2010/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật có liên quan; việc tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông phải thực hiện theo đúng địa bàn, tuyến đường, thời gian quy định trong văn bản huy động của cơ quan, người có thẩm quyền.

(Điều 3 Nghị định 27/2010/NĐ-CP)

2. 04 trường hợp huy động công an xã phối hợp với CSGT kiểm soát giao thông đường bộ

04 trường hợp huy động công an xã phối hợp với CSGT kiểm soát giao thông đường bộ bao gồm:

- Trong thời gian diễn ra các ngày lễ kỷ niệm; sự kiện chính trị - xã hội; hoạt động văn hóa, thể thao lớn của Nhà nước và địa phương.

- Các đợt cao điểm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông theo chỉ đạo của Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội hoặc của Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Khi tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông có diễn biến phức tạp.

- Trường hợp khác mà trật tự, an toàn giao thông đường bộ gây ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

(Điều 4 Nghị định 27/2010/NĐ-CP)

3. Thẩm quyền huy động công an xã phối hợp với CSGT kiểm soát giao thông đường bộ

Thẩm quyền huy động công an xã phối hợp với CSGT kiểm soát giao thông đường bộ được quy định tại Điều 5 Nghị định 27/2010/NĐ-CP như sau:

- Bộ trưởng Bộ Công an có thẩm quyền huy động lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong phạm vi toàn quốc.

- Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội có thẩm quyền huy động lực lượng Cảnh sát khác thuộc lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong phạm vi toàn quốc.

- Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền huy động lực lượng Cảnh sát khác thuộc quyền quản lý và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong phạm vi từ hai huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên.

- Trưởng Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền huy động lực lượng Cảnh sát khác thuộc quyền quản lý và Công an xã phối hợp với Cảnh sát Giao thông đường bộ tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong phạm vi địa phương mình phụ trách.

4. Thủ tục huy động công an xã phối hợp với CSGT kiểm soát giao thông đường bộ

- Căn cứ các trường hợp cần thiết phải huy động lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại mục 2 thì người có thẩm quyền tại mục 3 quyết định việc huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Việc huy động phải thực hiện bằng Quyết định hoặc Kế hoạch huy động, trong đó phải nêu rõ lực lượng, số lượng cần huy động, thời gian, địa bàn huy động, trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của Cảnh sát giao thông, Cảnh sát khác và Công an xã tham gia phối hợp tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông.

Khi hết thời gian huy động ghi trong Quyết định hoặc Kế hoạch huy động mà không có văn bản huy động mới của cấp có thẩm quyền thì lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã kết thúc nhiệm vụ được huy động, chuyển sang thực hiện nhiệm vụ thường xuyên.

- Khi nhận được Quyết định hoặc Kế hoạch huy động của cấp có thẩm quyền tại mục 3, Thủ trưởng đơn vị được huy động phải bố trí lực lượng, tổ chức triển khai việc huy động.

(Điều 6 Nghị định 27/2010/NĐ-CP)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,583

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn