Đề xuất sửa đổi hồ sơ làm hộ chiếu phổ thông

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
17/04/2023 15:50 PM

Đề xuất sửa đổi hồ sơ làm hộ chiếu phổ thông là nội dung đề cập tại Dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Đề xuất sửa đổi hồ sơ làm hộ chiếu phổ thông

Đề xuất sửa đổi hồ sơ làm hộ chiếu phổ thông (Hình từ Internet)

Dự thảo Luật sửa đổi

1. Đề xuất sửa đổi hồ sơ làm hộ chiếu phổ thông ở trong nước

Theo khoản 3 Điều 1 Dự thảo, hồ sơ làm hộ chiếu phổ thông ở trong nước được quy định như sau:

(i) Người đề nghị cấp hộ chiếu nộp tờ khai theo mẫu đã điền đầy đủ thông tin, 02 ảnh chân dung và giấy tờ liên quan theo quy định tại (ii); xuất trình Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng.

(ii) Giấy tờ liên quan đến việc cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước bao gồm:

- Hộ chiếu phổ thông cấp lần gần nhất còn giá trị sử dụng đối với người đã được cấp hộ chiếu; 

Trường hợp hộ chiếu còn giá trị sử dụng bị mất phải kèm đơn báo mất hoặc thông báo về việc đã tiếp nhận đơn của cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 28 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 (sửa đổi tại khoản 8 Điều 1 Dự thảo);

- Bản chụp có chứng thực giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp chứng minh người đại diện hợp pháp đối với người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi. 

Trường hợp bản chụp không có chứng thực thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu.

Hiện hành, Điều 15 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định hồ sơ làm hộ chiếu phổ thông ở trong nước bao gồm:

- Người đề nghị cấp hộ chiếu nộp tờ khai theo mẫu đã điền đầy đủ thông tin, 02 ảnh chân dung và giấy tờ liên quan theo quy định; xuất trình Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng.

- Giấy tờ liên quan đến việc cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước bao gồm:

+ Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi;

+ Hộ chiếu phổ thông cấp lần gần nhất đối với người đã được cấp hộ chiếu; 

Trường hợp hộ chiếu bị mất phải kèm đơn báo mất hoặc thông báo về việc đã tiếp nhận đơn của cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 28 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019;

+ Bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất;

+ Bản chụp có chứng thực giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp chứng minh người đại diện hợp pháp đối với người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi. 

Trường hợp bản chụp không có chứng thực thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu.

2. Hồ sơ làm hộ chiếu phổ thông ở nước ngoài bao gồm những gì?

Căn cứ tại khoản 4 Điều 1 Dự thảo, hồ sơ làm hộ chiếu phổ thông ở nước ngoài được quy định như sau:

(1) Người đề nghị cấp hộ chiếu nộp tờ khai theo mẫu đã điền đầy đủ thông tin, 02 ảnh chân dung, giấy tờ liên quan theo quy định tại (2) và xuất trình hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ tùy thân do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Trường hợp không có hộ chiếu Việt Nam, giấy tờ tùy thân do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp thì xuất trình giấy tờ tùy thân do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ làm căn cứ để xác định quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch.

(2) Giấy tờ liên quan đến việc cấp hộ chiếu phổ thông ở nước ngoài gồm:

- Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi;

- Hộ chiếu phổ thông cấp lần gần nhất đối với người đã được cấp hộ chiếu; 

Trường hợp hộ chiếu bị mất phải kèm đơn báo mất hoặc thông báo về việc đã tiếp nhận đơn của cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 28 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 (sửa đổi tại khoản 8 Điều 1 Dự thảo);

- Bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất;

- Bản chụp có chứng thực giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp chứng minh người đại diện hợp pháp đối với người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi. 

Trường hợp bản chụp không có chứng thực thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu.

Nguyễn Thị Hoài Thương

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,147

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn