Cách xác định hàng hóa bị bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
29/04/2023 10:08 AM

Làm thế nào để xác định hàng hóa bị bán phá khi nhập khẩu vào Việt Nam? Khi hàng hóa bị bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam thì áp dụng những biện pháp gì? – Ngọc Hà (Tiền Giang)

Cách xác định hàng hóa bị bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam

Cách xác định hàng hóa bị bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Cách xác định hàng hóa bị bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam

Hàng hóa được xác định bị bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam với giá thấp hơn giá thông thường là giá có thể so sánh được của hàng hóa tương tự bán tại nước xuất khẩu hoặc tại một nước thứ ba trong các điều kiện thương mại thông thường hoặc mức giá mà Cơ quan điều tra xác định bằng phương pháp tự tính toán.

Trong đó, điều kiện thương mại thông thường được quy định như sau:

Hàng hóa tương tự được coi là bán trên thị trường nội địa của nước xuất khẩu theo điều kiện thương mại thông thường trừ các trường hợp sau đây:

- Các giao dịch bán hàng hóa tương tự trên thị trường nội địa nước xuất khẩu, hoặc giao dịch xuất khẩu sang thị trường nước thứ ba có giá bán thấp hơn chi phí sản xuất trong một khoảng thời gian ít nhất là 06 tháng và khối lượng, số lượng này ít hơn 20% tổng khối lượng, số lượng bán hàng trong nước hoặc xuất khẩu sang thị trường nước thứ ba;

- Các giao dịch bán hàng hóa tương tự trên thị trường nội địa của nước xuất khẩu hoặc giao dịch xuất khẩu sang thị trường nước thứ ba được thực hiện giữa các bên có mối quan hệ theo quy định tại Điều 5 Nghị định 10/2018/NĐ-CP và giá bán giữa các bên này không phản ánh giá thị trường;

- Các giao dịch bán hàng hóa tương tự trên thị trường nội địa nước xuất khẩu hoặc các giao dịch xuất khẩu sang thị trường nước thứ ba được thực hiện trên cơ sở các thỏa thuận bù trừ.

(Khoản 2 Điều 77 Luật Quản lý ngoại thương 2017, Điều 17 Nghị định 10/2018/NĐ-CP)

2. Áp dụng biện pháp chống bán phá giá khi hàng hóa bị bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam

2.1. Áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời

Việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định căn cứ vào kết luận sơ bộ của Cơ quan điều tra.

Mức thuế chống bán phá giá tạm thời không được vượt quá biên độ bán phá giá trong kết luận sơ bộ.

Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời là không quá 120 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời có hiệu lực.

Khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hóa tương tự vào Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể gia hạn áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời nhưng không quá 60 ngày.

(Khoản 1 Điều 81 Luật Quản lý ngoại thương 2017)

2.2. Áp dụng biện pháp cam kết

Việc áp dụng biện pháp cam kết được thực hiện như sau:

- Sau khi có kết luận sơ bộ và trước khi kết thúc điều tra, nhà sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị điều tra có thể đưa ra cam kết với Cơ quan điều tra về việc tự nguyện điều chỉnh giá bán hoặc tự nguyện hạn chế khối lượng, số lượng hàng hóa bị điều tra xuất khẩu vào Việt Nam;

- Cơ quan điều tra có thể chấp nhận, không chấp nhận hoặc đề nghị điều chỉnh nội dung cam kết trên cơ sở lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân đại diện cho ngành sản xuất trong nước.

(Khoản 2 Điều 81 Luật Quản lý ngoại thương 2017)

2.3. Áp dụng thuế chống bán phá giá

Việc áp dụng thuế chống bán phá giá được thực hiện như sau:

- Trường hợp không đạt được cam kết quy định tại mục 2.2, sau khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra công bố kết luận cuối cùng về các nội dung điều tra quy định tại Điều 80 Luật Quản lý ngoại thương 2017.

Kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra và các căn cứ chính để ban hành kết luận cuối cùng phải được thông báo bằng phương thức thích hợp cho các bên liên quan trong vụ việc điều tra;

- Căn cứ vào kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định áp dụng hay không áp dụng thuế chống bán phá giá;

- Mức thuế chống bán phá giá không được vượt quá biên độ bán phá giá trong kết luận cuối cùng;

- Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá là không quá 05 năm kể từ ngày quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực, trừ trường hợp được gia hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật Quản lý ngoại thương 2017.

(Khoản 3 Điều 81 Luật Quản lý ngoại thương 2017)

2.4. Áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước

Việc áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước được thực hiện như sau:

- Trong trường hợp kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra xác định có thiệt hại đáng kể hoặc có đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước;

- Thuế chống bán phá giá được áp dụng có hiệu lực trở về trước đối với hàng hóa nhập khẩu trong thời hạn 90 ngày trước khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời nếu hàng hóa nhập khẩu được xác định bị bán phá giá; khối lượng hoặc số lượng hàng hóa bị bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam tăng nhanh đột biến trong giai đoạn từ khi tiến hành điều tra đến khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời và gây ra thiệt hại khó có khả năng khắc phục cho ngành sản xuất trong nước.

(Khoản 4 Điều 81 Luật Quản lý ngoại thương 2017)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,800

Bài viết về

lĩnh vực Thương mại

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn