Tiêu chuẩn Hiệu trưởng trường trung học phổ thông mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
11/04/2023 11:00 AM

Xin cho tôi hỏi để được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường trung học phổ thông thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn như thế nào? - Đại Phúc (Cà Mau)

Tiêu chuẩn Hiệu trưởng trường trung học phổ thông mới nhất

Tiêu chuẩn Hiệu trưởng trường trung học phổ thông mới nhất (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Hiệu trưởng trường trung học phổ thông là ai?

Theo Điểm a Khoản 1 Điều 11 Điều lệ Trường THCS, trường THPT ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, hiệu trưởng trường trung học là người chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý, điều hành các hoạt động và chất lượng giáo dục của nhà trường.

Trong đó, nhiệm kỳ của hiệu trưởng trường trung học phổ thông là 05 năm, nếu công tác tại một trường trung học công lập không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.

(Điểm c Khoản 1 Điều 11 Điều lệ Trường THCS, trường THPT ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT)

2. Tiêu chuẩn Hiệu trưởng trường trung học phổ thông mới nhất

Người được bổ nhiệm làm hiệu trưởng đối với trường công lập hoặc công nhận làm hiệu trưởng đối với trường tư thục phải đạt các tiêu chuẩn tại Khoản 3 Điều 11 Điều lệ Trường THCS, trường THPT ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT và trường phổ thông có nhiều cấp học và theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, các tiêu chuẩn Hiệu trưởng trường trung học phổ thông bao gồm:

- Về trình độ đào tạo và thời gian công tác:

+ Phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định Luật Giáo dục đối với cấp học;

+ Đạt trình độ chuẩn được đào tạo ở cấp học cao nhất đối với trường phổ thông có nhiều cấp học;

+ Đã dạy học được ít nhất 05 năm (hoặc 04 năm đối với miền núi, hải đảo, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) ở cấp học đó.

- Hiệu trưởng trường trung học phổ thông phải đạt tiêu chuẩn quy định tại chuẩn hiệu trưởng trường THPT và trường phổ thông nhiều cấp học theo quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành (hiện đang được quy định tại Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT).

3. Nhiệm vụ và quyền của Hiệu trưởng trường  trường trung học phổ thông

Cụ thể tại điểm d khoản 1 Điều 11 Điều lệ Trường THCS, trường THPT ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định về mhiệm vụ và quyền của hiệu trưởng trường trung học phổ thông như sau:

- Xây dựng, tổ chức bộ máy nhà trường theo quy định tại Điều 9 Điều lệ này; bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó; tổ chức thành lập hội đồng trường theo quy định tại điểm đ, điểm e khoản 1 Điều 10 Điều lệ ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT;

- Tổ chức xây dựng chiến lược, tầm nhìn, mục tiêu, quy hoạch phát triển nhà trường; quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường; kế hoạch giáo dục hằng năm của nhà trường để trình hội đồng trường phê duyệt và tổ chức thực hiện;

- Thực hiện các quyết định hoặc kết luận của hội đồng trường về những nội dung được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 10 Điều lệ ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT.

Trường hợp hiệu trưởng không nhất trí với quyết định của hội đồng trường cần xin ý kiến cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp của nhà trường.

Trong thời gian chờ ý kiến của cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp, hiệu trưởng vẫn phải thực hiện theo quyết định của hội đồng trường đối với các vấn đề không trái với quy định của pháp luật hiện hành và Điều lệ ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT;

- Báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường và các quyết định của hội đồng trường trước hội đồng trường và các cấp có thẩm quyền;

- Thực hiện tuyển dụng, quản lý giáo viên, nhân viên; ký hợp đồng lao động, tiếp nhận, điều động giáo viên, nhân viên; quản lý chuyên môn; phân công công tác, kiểm tra, đánh giá xếp loại giáo viên, nhân viên; thực hiện công tác khen thưởng, kỷ luật đối với giáo viên, nhân viên theo quy định của pháp luật;

- Quản lý học sinh và các hoạt động của học sinh do nhà trường tổ chức; xét duyệt kết quả đánh giá, xếp loại học sinh, ký xác nhận học bạ, ký xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học cho học sinh tiểu học (nếu có) của trường phổ thông có nhiều cấp học, cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh trung học phổ thông (nếu có) và quyết định khen thưởng, kỷ luật học sinh;

- Quản lý tài chính và tài sản của nhà trường;

- Thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước đối với giáo viên, nhân viên, học sinh; thực hiện quy chế dân chủ, trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ sở giáo dục trong tổ chức hoạt động của nhà trường; thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục của nhà trường;

- Chỉ đạo thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động; thực hiện công khai đối với nhà trường và xã hội theo quy định của pháp luật;

- Tham gia sinh hoạt cùng tổ chuyên môn; tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý; được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo và các chính sách ưu đãi theo quy định; tham gia dạy học theo quy định về định mức giờ dạy đối với hiệu trưởng;

- Được đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 9,905

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn