Nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
03/04/2023 16:13 PM

Cho tôi hỏi thỏa thuận quốc tế là gì? Thỏa thuận quốc tế được ký kết và thực hiện thế nào? - Minh Dũng (Gia Lai)

Nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế (Hình từ internet)

1. Thỏa thuận quốc tế là gì?

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Thỏa thuận quốc tế 2020, thỏa thuận quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản về hợp tác quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình với bên ký kết nước ngoài, không làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế.

2. Các bên ký kết thỏa thuận quốc tế

2.1 Bên ký kết thỏa thuận quốc tế của Việt Nam

Cụ thể, tại khoản 2 Điều 2 Luật Thỏa thuận quốc tế 2020 quy định bên ký kết thỏa thuận quốc tế của Việt Nam, bao gồm:

(1) Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ;

(2) Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội (sau đây gọi chung là cơ quan của Quốc hội), Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước;

(3) Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

(4) Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

(5) Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau đây gọi chung là cơ quan nhà nước cấp tỉnh);

(6) Tổng cục, cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ;

(7) Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

(8) Ủy ban nhân dân cấp huyện;

(9) Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới;

(10) Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan trung ương của tổ chức); cơ quan cấp tỉnh của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan cấp tỉnh của tổ chức).

2.2 Bên ký kết thỏa thuận quốc tế nước ngoài

Theo khoản 4 Điều 2 Luật Thỏa thuận quốc tế 2020 quy định bên ký kết nước ngoài là Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức được thành lập theo pháp luật nước ngoài, tổ chức quốc tế, cá nhân nước ngoài.

3. Nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế

Theo đó, nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế được quy định tại Điều 3 Luật Thỏa thuận quốc tế 2020 như sau:

- Phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lợi ích quốc gia, dân tộc, đường lối đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; 

Tuân thủ nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và các nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật quốc tế.

- Việc ký kết thỏa thuận quốc tế không được làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế; 

- Không được ký kết thỏa thuận quốc tế về các vấn đề phải thực hiện thông qua việc ký kết điều ước quốc tế theo quy định của pháp luật.

- Bảo đảm yêu cầu về đối ngoại và hiệu quả của thỏa thuận quốc tế được ký kết, trong phạm vi nguồn kinh phí ngân sách nhà nước được giao hoặc tự chủ theo quy định của pháp luật.

- Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức ký kết thỏa thuận quốc tế và tuân thủ trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế quy định tại Luật Thỏa thuận quốc tế 2020.

- Việc ký kết thỏa thuận quốc tế của các cơ quan, tổ chức quy định tại Mục 2 trừ điểm (1) không được ràng buộc trách nhiệm thực hiện của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ hoặc cơ quan, tổ chức Việt Nam không ký kết thỏa thuận quốc tế đó.

- Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới chỉ ký kết thỏa thuận quốc tế với bên ký kết nước ngoài là chính quyền địa phương cấp tương đương về giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa, hợp tác thực hiện quản lý biên giới phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Bên ký kết Việt Nam có trách nhiệm thực hiện thỏa thuận quốc tế được ký kết, đồng thời có quyền yêu cầu bên ký kết nước ngoài cũng phải thực hiện thỏa thuận quốc tế đó trên tinh thần hữu nghị, hợp tác.

Đỗ Thành Long

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,431

Bài viết về

lĩnh vực khác

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn