Nhà giáo có bắt buộc phải đi thực tập tại doanh nghiệp không? (Hình từ Internet)
Vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 9 Điều 55 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định nhà giáo phải dành thời gian và được cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp bố trí thời gian thực tập tại doanh nghiệp để cập nhật, nâng cao kỹ năng thực hành, tiếp cận công nghệ mới theo quy định.
Như vậy, theo quy định tại khoản 9 Điều 55 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 thì nhà giáo phải bố trí thời gian thực tập tại doanh nghiệp để cập nhật, nâng cao kỹ năng thực hành, tiếp cận công nghệ mới từ sự bố trí của cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Thời gian làm việc của nhà giáo theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH thì dạy trình độ cao đẳng, trung cấp là 44 tuần/năm theo chế độ tuần làm việc 40 giờ, trong đó:
- Thực hiện công tác giảng dạy và giáo dục học viên, học sinh, sinh viên: 32 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng; 36 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ trung cấp.
- Học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao, nghiên cứu khoa học: 08 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng; 04 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ trung cấp;
Hiệu trưởng, Giám đốc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp căn cứ vào tình hình thực tế, đặc điểm của từng ngành, nghề đào tạo để quy định về nghiên cứu khoa học đối với nhà giáo và quyết định số giờ nghiên cứu khoa học tối thiểu mà nhà giáo phải thực hiện trong năm học.
- Thực tập tại doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn: 04 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, trung cấp.
- Trường hợp nhà giáo sử dụng không hết thời gian để học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao, nghiên cứu khoa học theo quy định thì Hiệu trưởng, giám đốc quy đổi thời gian còn lại chuyển sang làm công tác giảng dạy hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác do Hiệu trưởng, giám đốc giao.
Số giờ quy đổi được tính thêm vào định mức giờ giảng trong năm học của nhà giáo. Tính số giờ quy đổi theo tỷ lệ tương ứng giữa thời gian không sử dụng để học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao, nghiên cứu khoa học với thời gian thực hiện công tác giảng dạy và giáo dục học viên, học sinh, sinh viên được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH (sửa đổi tại Thông tư 34/2018/TT-BLĐTBXH).
Trường hợp nhà giáo tham gia các khóa học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao vượt quá quy định tại điểm b khoản này thì được giảm giờ theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 10 Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH (sửa đổi tại Thông tư 34/2018/TT-BLĐTBXH).
Thời gian nghỉ hằng năm của nhà giáo tại cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH (sửa đổi tại Thông tư 28/2022/TT-BLĐTBXH) như sau:
- Thời gian nghỉ hè hằng năm của nhà giáo là 06 tuần; của viên chức quản lý, viên chức đang giữ chức danh giảng viên, giáo viên giáo dục nghề nghiệp có tham gia giảng dạy được quy định tại khoản 5 Điều 5 Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH (sửa đổi tại Thông tư 28/2022/TT-BLĐTBXH) là 04 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.
Trong thời gian nghỉ hè nhà giáo được hưởng nguyên lương và phụ cấp (nếu có). Ngoài thời gian nghỉ hè nhà giáo được nghỉ lễ, tết và các ngày nghỉ khác theo quy định Bộ luật Lao động 2019.
Việc nghỉ hè của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 84/2020/NĐ-CP.
- Căn cứ kế hoạch năm học và điều kiện thực tế, Hiệu trưởng, Giám đốc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp bố trí cho nhà giáo nghỉ hè vào thời gian thích hợp.
Võ Văn Hiếu