Chức danh nào được tổ chức Lễ tang cấp cao?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
23/03/2023 11:31 AM

Tôi muốn biết các chức danh nào được tổ chức Lễ tang cấp cao theo pháp luật Việt Nam? - Đức Anh (Tiền Giang)

Chức danh nào được tổ chức Lễ tang cấp cao?

Chức danh nào được tổ chức Lễ tang cấp cao? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Có bao nhiêu hình thức lễ tang?

Theo Điều 3 Nghị định 105/2012/NĐ-CP, có 4 hình thức lễ tang như sau:

(1) Lễ Quốc tang.

(2) Lễ tang cấp Nhà nước.

(3) Lễ tang cấp cao.

(4) Lễ tang Cán bộ, công chức, viên chức.

2. Chức danh nào được tổ chức Lễ tang cấp cao?

Cụ thể tại khoản 1 Điều 34 Nghị định 105/2012/NĐ-CP quy định về các chức danh được tổ chức Lễ tang cấp cao bao gồm:

- Cán bộ, công chức đương chức, thôi giữ chức thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng quản lý (trừ các chức danh được tổ chức Lễ Quốc tang và Lễ tang cấp Nhà nước);

- Cán bộ hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 (lão thành cách mạng) hoặc cán bộ hoạt động ở miền Nam suốt thời kỳ chống Mỹ (1954 - 1975) được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất trở lên;

- Các nhà hoạt động xã hội, văn hóa, khoa học tiêu biểu (được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng cá nhân) và được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất trở lên;

- Các nhà hoạt động xã hội, văn hóa, khoa học tiêu biểu (được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng cá nhân) là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động đang công tác hoặc nghỉ hưu khi từ trần được tổ chức Lễ tang Cấp cao.

Lưu ý: Đối với trường hợp người từ trần giữ một trong các chức danh trên mà bị kỷ luật bằng hình thức giáng chức hoặc cách chức, Lễ tang tổ chức theo hình thức Lễ tang cán bộ, công chức, viên chức. (Khoản 2 Điều 34 Nghị định 105/2012/NĐ-CP)

3. Nơi tổ chức Lễ tang cấp cao ở đâu?

Lễ tang cấp cao tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội (nếu tổ chức ở Hà Nội); Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 175 hoặc Nhà tang lễ số 25 Lê Quý Đôn, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh (nếu tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh).

Nếu từ trần ở địa phương khác thì thực hiện theo quy định của địa phương.

(Điều 38 Nghị định 105/2012/NĐ-CP)

4. Nơi an táng của người được tổ chức Lễ tang cấp cao

Theo Điều 39 Nghị định 105/2012/NĐ-CP, nơi an táng của người được tổ chức Lễ tang cấp cao được quy định như sau:

- An táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội (nếu từ trần ở Hà Nội), tại Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh (nếu từ trần ở Thành phố Hồ Chí Minh) đối với các trường hợp sau:

+ Cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị quản lý;

+ Cán bộ hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 (lão thành cách mạng) hoặc cán bộ hoạt động ở miền Nam suốt thời kỳ chống Mỹ (1954 - 1975) được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất trở lên;

+ Các nhà hoạt động xã hội, văn hóa, khoa học tiêu biểu (được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng cá nhân) và được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất trở lên.

+ Các nhà hoạt động xã hội, văn hóa, khoa học tiêu biểu (được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng cá nhân) là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động.

- Đối với các chức danh còn lại an táng tại Nghĩa trang địa phương hoặc theo nguyện vọng của gia đình.

- Trường hợp gia đình có nguyện vọng hỏa táng, điện táng hoặc an táng tại quê nhà, Ban Tổ chức Lễ tang có trách nhiệm tổ chức Lễ tang cấp cao theo quy định tại Nghị định 105/2012/NĐ-CP.

5. Một số quy định về việc tổ chức Lễ tang cấp cao

Việc tổ chức Lễ tang cấp cao cần phải tuân thủ một số quy định tại Điều 4 Nghị định 105/2012/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Lễ viếng tổ chức tại nhà tang lễ, Lễ đưa tang và Lễ an táng thực hiện cùng trong một ngày (trừ Lễ Quốc tang).

- Trường hợp tổ chức Lễ viếng tại gia đình thì tùy theo phong tục địa phương và gia đình, thi hài người từ trần phải được khâm liệm vào linh cữu và bảo đảm vệ sinh, nhất là đối với người có bệnh lây nhiễm.

Linh cữu được để không quá 48 (bốn mươi tám) giờ, kể từ khi khâm liệm đến khi tổ chức Lễ an táng.

- Linh cữu người từ trần quàn tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình không để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài.

- Không rắc vàng mã và các loại tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành và ngoại tệ trong quá trình đưa tang từ nhà tang lễ hoặc gia đình đến nơi an táng; không đốt đồ mã tại nơi an táng.

- Chỉ các thành viên Ban Lễ tang Nhà nước và Ban Tổ chức Lễ tang đeo băng tang đen (có chiều rộng 07 cm) trên cánh tay trái.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 14,872

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn