Nội dung, hình thức xét thăng hạng giáo viên

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
28/02/2023 17:30 PM

Cho tôi hỏi việc xét thăng hạng giáo viên bao gồm những nội dung gì và thực hiện theo hình thức nào? – Như Ngọc (Bình Định)

Nội dung, hình thức xét thăng hạng giáo viên

Nội dung, hình thức xét thăng hạng giáo viên (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Nội dung, hình thức xét thăng hạng giáo viên

* Xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ giáo viên hạng II lên giáo viên hạng I:

- Xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ giáo viên hạng II lên giáo viên hạng I được thực hiện thông qua việc xét, chấm điểm hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng và kiểm tra, sát hạch theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng I của mỗi cấp học;

- Giáo viên hạng II dự xét thăng hạng lên giáo viên hạng I được tham dự kiểm tra, sát hạch khi điểm hồ sơ đạt 100 điểm theo thang điểm quy định tại Điều 6 Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT;

- Việc kiểm tra, sát hạch được thực hiện bằng hình thức làm bài trắc nghiệm hoặc phỏng vấn:

+ Đối với hình thức làm bài trắc nghiệm: Thời gian thực hiện bài thi trắc nghiệm là 60 phút, nội dung gồm các câu hỏi liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục và nhiệm vụ của nhà giáo quy định tại tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp (theo từng hạng chức danh nghề nghiệp của mỗi cấp học), tối đa không quá 60 câu hỏi. Bài trắc nghiệm được chấm theo thang điểm 30 và được thực hiện trên giấy hoặc trên máy tính.

+ Đối với hình thức phỏng vấn: Thời gian thực hiện bài phỏng vấn không quá 15 phút/01 người dự xét, nội dung phỏng vấn liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục và nhiệm vụ của nhà giáo quy định tại tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp (theo từng hạng chức danh nghề nghiệp của mỗi cấp học). Bài phỏng vấn được chấm theo thang điểm 30 và được thực hiện trực tiếp đối với từng người.

* Xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ giáo viên hạng III lên giáo viên hạng II: Được thực hiện thông qua việc xét và chấm điểm hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II của mỗi cấp học.

(Điều 5 Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT)

2. Cách tính điểm hồ sơ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp

- Hồ sơ xét thăng hạng được chấm theo thang điểm 100, không làm tròn số khi cộng các điểm thành phần, cụ thể:

+ Điểm chấm nhóm tiêu chí về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng: 20 điểm

+ Điểm chấm nhóm tiêu chí về tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ: 80 điểm.

- Hướng dẫn minh chứng và chấm điểm các nhóm tiêu chí được quy định tại phụ lục kèm theo Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT.

(Điều 6 Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT)

3. Xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng giáo viên

- Người được xác định trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải có đủ các điều kiện sau đây:

+ Có đủ hồ sơ kèm các minh chứng theo quy định;

+ Đối với trường hợp dự xét thăng hạng từ hạng II lên hạng I: Điểm chấm hồ sơ theo quy định phải đạt 100 điểm và điểm kiểm tra, sát hạch phải đạt từ 15 điểm trở lên.

+ Đối với trường hợp dự xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II: Điểm chấm hồ sơ theo quy định phải đạt 100 điểm.

- Trường hợp số lượng hồ sơ xét thăng hạng đáp ứng yêu cầu nhiều hơn số chỉ tiêu thăng hạng được cấp có thẩm quyền giao thì thực hiện như sau:

+ Đối với trường hợp dự xét thăng hạng từ hạng II lên hạng I: Lấy điểm kiểm tra, sát hạch theo thứ tự từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu thăng hạng được cấp có thẩm quyền giao;

+ Đối với trường hợp dự xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II: Sử dụng quy định về nhiệm vụ của hạng II để làm căn cứ xét thăng hạng. Lấy điểm chấm minh chứng về các nhiệm vụ của hạng II mà giáo viên hạng III đã thực hiện trong 06 năm liền kề trước thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng theo thứ tự từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu thăng hạng được cấp có thẩm quyền giao.

+ Trường hợp có từ 02 người trở lên có điểm bằng nhau ở chỉ tiêu thăng hạng cuối cùng thì việc xác định người trúng tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau: giáo viên là nữ, giáo viên là người dân tộc thiểu số, giáo viên nhiều tuổi hơn (tính theo ngày, tháng, năm sinh), giáo viên có thời gian công tác nhiều hơn.

Nếu vẫn không xác định được thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức xét thăng hạng có văn bản trao đổi với người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức và quyết định người trúng tuyển theo đề nghị của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức.

- Giáo viên không trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì không được bảo lưu kết quả cho các kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp lần sau.

(Điều 7 Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,985

Bài viết về

Cán bộ, công chức, viên chức

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn