Các loại giấy tờ chứng minh người thuộc diện trợ giúp pháp lý

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
10/02/2023 16:00 PM

Tôi muốn hỏi để chứng minh người thuộc diện trợ giúp pháp lý thì cần phải những loại giấy tờ nào theo quy định hiện hành? - Đức Phong (Tiền Giang)

Các loại giấy tờ chứng minh người thuộc diện trợ giúp pháp lý

Các loại giấy tờ chứng minh người thuộc diện trợ giúp pháp lý

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Người nào thuộc diện trợ giúp pháp lý?

Theo Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định về người được trợ giúp pháp lý bao gồm:

- Người có công với cách mạng.

- Người thuộc hộ nghèo.

- Trẻ em.

- Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

- Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.

- Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính:

+ Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ;

+ Người nhiễm chất độc da cam;

+ Người cao tuổi;

+ Người khuyết tật;

+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự;

+ Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình;

+ Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người;

+ Người nhiễm HIV.

Do đó những người nào thuộc các trường hợp nêu trên sẽ thuộc diện trợ giúp pháp lý.

2. Các loại giấy tờ chứng minh người thuộc diện trợ giúp pháp lý

Cụ thể tại Điều 33 Thông tư 08/2017/TT-BTP, người thuộc diện trợ giúp pháp lý phải đưa ra các giấy tờ sau đây để chứng minh thuộc các trường hợp tại mục 1, cụ thể như sau:

2.1. Đối với người có công với cách mạng

Giấy tờ chứng minh là người có công với cách mạng gồm một trong các giấy tờ sau:

- Quyết định của cơ quan có thẩm quyền công nhận là người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;

- Quyết định phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến;

- Huân chương Kháng chiến, Huy chương Kháng chiến, Bằng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Bằng Anh hùng, Bằng Có công với nước;

- Quyết định trợ cấp, phụ cấp do cơ quan có thẩm quyền cấp xác định là người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;

- Quyết định hoặc giấy chứng nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, bệnh tật do nhiễm chất độc hóa học, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

- Kỷ niệm chương Tổ quốc ghi công đối với người có công giúp đỡ cách mạng, Giấy chứng nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945, Giấy chứng nhận người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Huân chương Chiến thắng, Huy chương Chiến thắng.

2.2. Đối với người thuộc hộ nghèo

Giấy tờ chứng minh người thuộc hộ nghèo là giấy chứng nhận hộ nghèo.

2.3. Đối với trẻ em

Giấy tờ chứng minh là trẻ em gồm một trong các giấy tờ sau:

- Giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu;

- Văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng xác định người có yêu cầu trợ giúp pháp lý là trẻ em;

- Văn bản của cơ quan có thẩm quyền về áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc xử phạt vi phạm hành chính xác định người có yêu cầu trợ giúp pháp lý là trẻ em.

2.4. Đối với người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn

Giấy tờ chứng minh là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn gồm một trong các giấy tờ sau:

- Giấy tờ hợp pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp xác định người có tên là người dân tộc thiểu số và nơi cư trú của người đó;

- Văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng xác định người có yêu cầu trợ giúp pháp lý là người dân tộc thiểu số và nơi cư trú của người đó.

2.5. Đối với người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Giấy tờ chứng minh người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng xác định người có yêu cầu trợ giúp pháp lý là người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

2.6. Đối với người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo

Giấy tờ chứng minh là người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo gồm các giấy tờ sau:

- Giấy chứng nhận hộ cận nghèo;

- Văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng xác định người có yêu cầu trợ giúp pháp lý là người bị buộc tội.

2.7. Đối với cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ có khó khăn về tài chính

Giấy tờ chứng minh là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ có khó khăn về tài chính gồm các giấy tờ sau:

- Giấy chứng nhận hộ cận nghèo hoặc quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng hoặc quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội;

- Quyết định của cơ quan có thẩm quyền về trợ cấp ưu đãi, trợ cấp tiền tuất đối với cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ hoặc Giấy chứng nhận gia đình liệt sỹ, Bằng tổ quốc ghi công có tên liệt sỹ kèm theo giấy tờ chứng minh mối quan hệ thân nhân với liệt sỹ.

2.8. Đối với người nhiễm chất độc da cam có khó khăn về tài chính

Giấy tờ chứng minh là người nhiễm chất độc da cam có khó khăn về tài chính gồm các giấy tờ sau:

- Giấy tờ quy định tại điểm a khoản 7 Điều 33 Thông tư 08/2017/TT-BTP;

- Quyết định về việc trợ cấp ưu đãi đối với con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học hoặc Giấy chứng nhận bệnh tật, dị dạng, dị tật do nhiễm chất độc hóa học.

2.9. Đối với người cao tuổi có khó khăn về tài chính

Giấy tờ chứng minh là người cao tuổi có khó khăn về tài chính gồm một trong các loại giấy tờ sau:

- Quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; Quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội;

- Giấy chứng nhận hộ cận nghèo kèm theo giấy tờ hợp pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp xác định người có tên trong giấy là người cao tuổi.

2.10. Đối với người khuyết tật có khó khăn về tài chính

Giấy tờ chứng minh là người khuyết tật có khó khăn về tài chính gồm một trong các loại giấy tờ sau:

- Giấy chứng nhận hộ cận nghèo kèm theo Giấy chứng nhận khuyết tật do cơ quan có thẩm quyền cấp;

- Giấy tờ quy định tại điểm a khoản 9 Điều 33 Thông tư 08/2017/TT-BTP.

2.11. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự có khó khăn về tài chính

Giấy tờ chứng minh là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự có khó khăn về tài chính gồm các giấy tờ sau:

- Giấy tờ quy định tại điểm a khoản 7 Điều 33 Thông tư 08/2017/TT-BTP;

- Văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng xác định người có yêu cầu trợ giúp pháp lý là bị hại và từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

2.12. Đối với nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính

Giấy tờ chứng minh là nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính gồm một trong các loại giấy tờ sau:

- Quyết định tiếp nhận nạn nhân bạo lực gia đình vào nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội;

- Giấy chứng nhận hộ cận nghèo kèm theo một trong các loại giấy tờ:

+ Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về việc khám và điều trị thương tích do hành vi bạo lực gia đình gây ra;

+ Quyết định cấm người gây bạo lực gia đình tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình;

+ Quyết định xử lý vi phạm hành chính với người có hành vi bạo lực gia đình.

2.13. Đối với nạn nhân của hành vi mua bán người

Giấy tờ chứng minh là nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người 2011 có khó khăn về tài chính gồm các giấy tờ sau:

- Giấy tờ quy định tại điểm a khoản 7 Điều 33 Thông tư 08/2017/TT-BTP;

- Giấy tờ, tài liệu chứng nhận nạn nhân theo quy định tại Điều 28 Luật Phòng, chống mua bán người 2011.

2.14. Đối với người nhiễm HIV có khó khăn về tài chính

Giấy tờ chứng minh là người nhiễm HIV có khó khăn về tài chính gồm các giấy tờ sau:

- Giấy tờ quy định tại điểm a khoản 7 Điều 33 Thông tư 08/2017/TT-BTP;

- Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền cấp xác định là người nhiễm HIV.

Ngoài ra, các loại giấy tờ hợp pháp khác do cơ quan có thẩm quyền cấp xác định được người thuộc diện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý.

Trong trường hợp những người thuộc diện được trợ giúp pháp lý bị thất lạc các giấy tờ nêu trên thì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy tờ đó.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,962

Bài viết về

lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn