Thế nào là bảo vệ trẻ em? Các cấp độ bảo vệ trẻ em tại Việt Nam

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
13/01/2023 17:00 PM

Tôi muốn hỏi thế nào là bảo vệ trẻ em? Hiện hành có bao nhiêu cấp độ bảo vệ trẻ em tại Việt Nam? - Gia Mẫn (Cần Thơ)

Thế nào là bảo vệ trẻ em? Các cấp độ bảo vệ trẻ em tại Việt Nam

Thế nào là bảo vệ trẻ em? Các cấp độ bảo vệ trẻ em tại Việt Nam

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thế nào là bảo vệ trẻ em?

Theo khoản 1 Điều 4 Luật Trẻ em 2016, bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

2. Các cấp độ bảo vệ trẻ em theo pháp luật Việt Nam

Theo Luật Trẻ em 2016, trẻ em được bảo vệ ở 3 cấp độ: Cấp độ phòng ngừa, Cấp độ hỗ trợ và Cấp độ can thiệp.

2.1. Bảo vệ trẻ em ở cấp độ phòng ngừa

Cụ thể tại khoản 1 Điều 48 Luật Trẻ em 2016, cấp độ phòng ngừa gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với cộng đồng, gia đình và mọi trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em, giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị xâm hại hoặc rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Trong đó, các biện pháp bảo vệ trẻ em ở cấp độ phòng ngừa bao gồm:

- Tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng, gia đình, trẻ em về mối nguy hiểm và hậu quả của các yếu tố, hành vi gây tổn hại, xâm hại trẻ em; về trách nhiệm phát hiện, thông báo trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi;

- Cung cấp thông tin, trang bị kiến thức cho cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người làm việc trong cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em về trách nhiệm bảo vệ trẻ em, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện các yếu tố, hành vi gây tổn hại, xâm hại trẻ em;

- Trang bị kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ để bảo đảm trẻ em được an toàn;

- Giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em;

- Xây dựng môi trường sống an toàn và phù hợp với trẻ em.

(Khoản 2 Điều 48 Luật Trẻ em 2016)

2.2. Bảo vệ trẻ em ở cấp độ hỗ trợ

Bảo vệ trẻ em ở cấp độ hỗ trợ bao gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi hoặc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm kịp thời phát hiện, giảm thiểu hoặc loại bỏ nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em. (Khoản 1 Điều 49 Luật Trẻ em 2016)

Các biện pháp bảo vệ trẻ em ở cấp độ hỗ trợ được quy định tại Khoản 2 Điều 49 Luật Trẻ em 2016, cụ thể như sau:

- Cảnh báo về nguy cơ trẻ em bị xâm hại; tư vấn kiến thức, kỹ năng, biện pháp can thiệp nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu nguy cơ xâm hại trẻ em cho cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người làm việc trong cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và trẻ em nhằm tạo lập lại môi trường sống an toàn cho trẻ em có nguy cơ bị xâm hại;

- Tiếp nhận thông tin, đánh giá mức độ nguy hại, áp dụng các biện pháp cần thiết để hỗ trợ trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi;

- Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định Luật Trẻ em 2016;

- Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và gia đình của trẻ em được tiếp cận chính sách trợ giúp xã hội và các nguồn trợ giúp khác nhằm cải thiện điều kiện sống cho trẻ em.

2.3. Bảo vệ trẻ em ở cấp độ can thiện

Theo khoản 1 Điều 50 Luật Trẻ em 2016, bảo vệ trẻ em ở cấp độ can thiệp bao gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với trẻ em và gia đình trẻ em bị xâm hại nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại; hỗ trợ chăm sóc phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Cụ thể, các biện pháp bảo vệ trẻ em ở cấp độ can thiệp bao gồm:

- Chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý, phục hồi thể chất và tinh thần cho trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần can thiệp;

- Bố trí nơi tạm trú an toàn, cách ly trẻ em khỏi môi trường, đối tượng đe dọa hoặc đang có hành vi bạo lực, bóc lột trẻ em;

- Bố trí chăm sóc thay thế tạm thời hoặc lâu dài cho trẻ em thuộc đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 62 Luật Trẻ em 2016;

- Đoàn tụ gia đình, hòa nhập trường học, cộng đồng cho trẻ em bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi;

- Tư vấn, cung cấp kiến thức cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, các thành viên gia đình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt về trách nhiệm và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục hòa nhập cho trẻ em thuộc nhóm đối tượng này;

- Tư vấn, cung cấp kiến thức pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt;

- Các biện pháp hỗ trợ trẻ em bị xâm hại và gia đình của trẻ em quy định tại Khoản 1 Điều 43, Khoản 1 Điều 44 và Điểm d Khoản 2 Điều 49 Luật Trẻ em 2016;

- Theo dõi, đánh giá sự an toàn của trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại.

(Khoản 2 Điều 50 Luật Trẻ em 2016)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 16,626

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn