Tải app trên IOS

Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
14/12/2022 11:00 AM

Cho tôi hỏi về thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được pháp luật quy định ra sao? - Thiên Kim (Tiền Giang)

Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Đối tượng xin cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

Theo Điều 17 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 thì người xin cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:

- Bác sỹ, y sỹ

- Điều dưỡng viên

- Hộ sinh viên.

- Kỹ thuật viên

- Lương y

- Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

2. Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

2.1. Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh với người Việt Nam

Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh với người Việt Nam theo Điều 18 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 như sau:

- Có một trong các văn bằng, giấy chứng nhận sau đây phù hợp với hình thức hành nghề khám bệnh, chữa bệnh:

+ Văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam;

+ Giấy chứng nhận là lương y;

+ Giấy chứng nhận là người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

- Có văn bản xác nhận quá trình thực hành, trừ trường hợp là lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

- Có giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

- Không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến chuyên môn y, dược theo bản án, quyết định của Tòa án;

Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang trong thời gian chấp hành bản án hình sự, quyết định hình sự của tòa án hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên có liên quan đến chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh; mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

2.2. Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Theo Điều 19 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài như sau:

- Có đủ điều kiện quy định tại tiểu mục 2.1.

- Đáp ứng yêu cầu về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 23 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009:

+ Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải biết tiếng Việt thành thạo; trường hợp không biết tiếng Việt thành thạo thì phải đăng ký ngôn ngữ sử dụng và có người phiên dịch.

+ Việc chỉ định điều trị, kê đơn thuốc phải ghi bằng tiếng Việt; trường hợp người hành nghề không biết tiếng Việt thành thạo thì việc chỉ định điều trị, kê đơn thuốc phải ghi bằng ngôn ngữ mà người hành nghề đã đăng ký sử dụng và người phiên dịch phải dịch sang tiếng Việt.

+ Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam được xác định là biết tiếng Việt thành thạo và người được xác định là đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh khi được cơ sở đào tạo chuyên ngành y do Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định kiểm tra và công nhận.

Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết về tiêu chí để công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh.

+ Người phiên dịch phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của nội dung phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh.

- Có lý lịch tư pháp được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại xác nhận.

- Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lao động của Việt Nam cấp theo quy định của pháp luật về lao động.

3. Hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

3.1. Hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh với người Việt Nam

Hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh với người Việt Nam theo Điều 5 Nghị định 109/2016/NĐ-CP như sau:

- Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề theo Mẫu 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP.

Mẫu 01

- Bản sao hợp lệ văn bằng chuyên môn phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, cụ thể như sau:

+ Văn bằng chuyên môn y;

+ Văn bằng cử nhân y khoa do nước ngoài cấp được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận tương đương trình độ đại học;

Nhưng phải kèm theo giấy chứng nhận đã qua đào tạo bổ sung theo ngành, chuyên ngành phù hợp với thời gian đào tạo ít nhất là 12 tháng tại cơ sở đào tạo hợp pháp của Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì được coi là tương đương với văn bằng bác sĩ và được cấp chứng chỉ hành nghề với chức danh là bác sĩ;

+ Văn bằng cử nhân hóa học, sinh học, dược sĩ trình độ đại học và phải kèm theo chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đào tạo chuyên ngành kỹ thuật y học về xét nghiệm với thời gian đào tạo ít nhất là 3 tháng hoặc văn bằng đào tạo sau đại học về chuyên khoa xét nghiệm;

+ Giấy chứng nhận là lương y hoặc giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền hoặc người có phương pháp chữa bệnh gia truyền do Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế cấp.

Trường hợp mất các văn bằng chuyên môn trên thì phải có giấy chứng nhận tốt nghiệp hoặc bản sao hợp lệ giấy chứng nhận thay thế bằng tốt nghiệp do cơ sở đào tạo nơi đã cấp văn bằng chuyên môn đó cấp.

- Giấy xác nhận quá trình thực hành theo Mẫu 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP hoặc bản sao hợp lệ các văn bằng tốt nghiệp bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa I, bác sĩ chuyên khoa II, trừ trường hợp là lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc người có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

Mẫu 02

- Giấy chứng nhận đủ sức khỏe do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại khoản 6 Điều 23 và khoản 5 Điều 25 Nghị định 109/2016/NĐ-CP cấp.

- Phiếu lý lịch tư pháp.

- Sơ yếu lý lịch tự thuật theo Mẫu 03 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP có xác nhận của thủ trưởng đơn vị nơi công tác đối với người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề đang làm việc trong cơ sở y tế tại thời điểm đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề;

Hoặc sơ yếu lý lịch tự thuật có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thường trú đối với những người xin cấp chứng chỉ hành nghề không làm việc cho cơ sở y tế nào tại thời điểm đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.

Mẫu 03

- Hai ảnh màu 04 cm x 06 cm được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 tháng, tính đến ngày nộp đơn.

3.2. Hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh lần đầu với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh lần đầu với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo Điều 6 Nghị định 109/2016/NĐ-CP bao gồm:

- Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề theo Mẫu 04 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP.

Mẫu 04

- Bản sao hợp lệ văn bằng chuyên môn y phù hợp với các đối tượng hành nghề quy định tại Điều 17 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009.

- Giấy xác nhận quá trình thực hành:

+ Trường hợp thực hành tại Việt Nam thực hiện theo Mẫu 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP;

Mẫu 02

+ Trường hợp thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài thì trong giấy xác nhận quá trình thực hành của người có thẩm quyền của cơ sở đó phải bảo đảm các nội dung sau đây:

++ Họ và tên người thực hành; 

++ Ngày, tháng, năm sinh; 

++ Địa chỉ cư trú; 

++ Số hộ chiếu (ngày cấp, nơi cấp); 

++ Văn bằng chuyên môn; 

++ Năm tốt nghiệp;

++ Nơi thực hành;

++ Thời gian thực hành; 

++ Nhận xét về năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của người thực hành đó.

- Bản sao hợp lệ giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lao động của Việt Nam cấp.

- Bản sao hợp lệ của một trong các giấy tờ sau đây:

+ Giấy chứng nhận biết tiếng Việt thành thạo đối với người nước ngoài đăng ký sử dụng tiếng Việt để khám bệnh, chữa bệnh;

+ Giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch của người phiên dịch phù hợp với ngôn ngữ mà người hành nghề đăng ký sử dụng để khám bệnh, chữa bệnh và hợp đồng lao động của người phiên dịch với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người hành nghề đó làm việc;

+ Đối với người nước ngoài đăng ký sử dụng ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ để khám bệnh, chữa bệnh:

++ Giấy chứng nhận sử dụng thành thạo ngôn ngữ mà người hành nghề đăng ký sử dụng theo quy định tại Điều 17 Nghị định 109/2016/NĐ-CP để khám bệnh, chữa bệnh;

++ Giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch của người phiên dịch ngôn ngữ mà người hành nghề đăng ký sử dụng để khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Điều 18 Nghị định 109/2016/NĐ-CP và hợp đồng lao động của người phiên dịch với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người hành nghề đó làm việc.

- Giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế cấp;

Hoặc giấy chứng nhận đủ sức khỏe do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nước ngoài cấp mà thời điểm cấp giấy chứng nhận sức khỏe tính đến ngày nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề không quá 12 tháng.

- Lý lịch tư pháp (áp dụng đối với trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động).

- Hai ảnh màu 04 cm x 06 cm được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 tháng, tính đến ngày nộp đơn.

4. Nộp hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

Nộp hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo Điều 9 Nghị định 109/2016/NĐ-CP như sau:

- Việc nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định được thực hiện như sau:

+ Người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề thuộc các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 26 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 sau gửi 01 bộ hồ sơ về Bộ Y tế:

++ Người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế;

++ Người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc các bộ khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 26 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009;

++ Người nước ngoài đến hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam.

+ Người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề làm việc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn quản lý của Sở Y tế, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định 109/2016/NĐ-CP gửi 01 bộ hồ sơ về Sở Y tế.

- Trường hợp người hành nghề đã được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp chứng chỉ hành nghề nhưng tại thời điểm đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, người hành nghề thay đổi nơi làm việc thì nộp hồ sơ như sau:

+ Người hành nghề đang làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế nộp hồ sơ về Sở Y tế nơi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó đặt trụ sở;

+ Người hành nghề đang làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế nộp hồ sơ về Bộ Y tế.

- Trường hợp người hành nghề không làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào tại thời điểm đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề thì nộp hồ sơ về Sở Y tế, nơi đăng ký thường trú để đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.

5. Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

Theo khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 10 Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định về thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh như sau:

- Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, Bộ Y tế hoặc Sở Y tế (sau đây gọi tắt là cơ quan tiếp nhận hồ sơ) cấp cho người đề nghị Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP, cụ thể như sau:

+ Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ theo quy định thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi ngay cho người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Phiếu tiếp nhận hồ sơ;

+ Trường hợp hồ sơ gửi theo đường bưu điện thì trong thời hạn 02 ngày, tính từ thời điểm nhận được hồ sơ (tính theo dấu bưu điện đến), cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi Phiếu tiếp nhận cho người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề;

- Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải tiến hành thẩm định hồ sơ và có biên bản thẩm định.

- Trường hợp hồ sơ hợp lệ, thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày có biên bản thẩm định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề.

- Trường hợp hồ sơ không hợp lệ:

+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có biên bản thẩm định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản thông báo cho người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề để hoàn chỉnh hồ sơ. Văn bản thông báo phải ghi cụ thể những tài liệu cần bổ sung, nội dung cần sửa đổi.

+ Khi nhận được văn bản yêu cầu hoàn chỉnh hồ sơ, người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề phải sửa đổi, bổ sung theo đúng những nội dung đã được ghi trong văn bản và gửi hồ sơ bổ sung về cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi Phiếu tiếp nhận hồ sơ bổ sung cho người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.

+ Cơ quan tiếp nhận hồ sơ tiếp tục thực hiện thủ tục theo quy định tại các khoản 2, 3 và điểm a khoản 4 Điều 10 Nghị định 109/2016/NĐ-CP. Trường hợp hồ sơ bổ sung vẫn chưa hợp lệ thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ tiếp tục hướng dẫn người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề hoàn thiện hồ sơ.

+ Trường hợp cơ quan tiếp nhận hồ sơ đã có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ mà trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản yêu cầu nhưng người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề không bổ sung, sửa đổi hồ sơ thì phải thực hiện lại từ đầu hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 45,246

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]