Điều kiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
25/11/2022 15:00 PM

Tôi muốn biết các công trình khoa học và công nghệ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh thì phải đáp ứng các điều kiện như thế nào? - Hồ Đức (Bình Dương)

Điều kiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ

Điều kiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Công trình khoa học và công nghệ là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 78/2014/NĐ-CP, Công trình khoa học và công nghệ là sản phẩm của lao động sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, bao gồm:

- Công trình nghiên cứu khoa học là kết quả của hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn;

- Công trình nghiên cứu phát triển công nghệ là công trình tạo ra công nghệ mới, giải pháp kỹ thuật mới, vật liệu mới, giống mới, sản phẩm mới;

- Công trình ứng dụng công nghệ là công trình ứng dụng thành công công nghệ mới, giải pháp kỹ thuật mới.

2. Điều kiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ

Cụ thể tại Điều 8 Nghị định 78/2014/NĐ-CP (bổ sung tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định 60/2019/NĐ-CP), điều kiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ được quy định như sau:

- Công trình đề nghị xét tặng giải thưởng phải có hồ sơ hợp lệ, được công bố theo quy định (trừ các công trình có nội dung liên quan đến bí mật nhà nước), được ứng dụng tại Việt Nam.

-Thời gian công trình được công bố hoặc ứng dụng trong thực tiễn ít nhất là 03 năm hoặc công trình được ứng dụng đổi mới sáng tạo có hiệu quả ít nhất 01 năm tính đến thời điểm cơ quan chủ trì tổ chức xét tặng giải thưởng nhận hồ sơ công trình đề nghị xét tặng.

- Tính đến thời điểm xét tặng giải thưởng, tác giả công trình không vi phạm quy định tại Điều 8 Luật Khoa học và Công nghệ 2013.

+ Lợi dụng hoạt động khoa học và công nghệ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; gây thiệt hại đến tài nguyên, môi trường, sức khỏe con người; trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

+ Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; chiếm đoạt, chuyển nhượng, chuyển giao bất hợp pháp kết quả khoa học và công nghệ.

+ Tiết lộ tài liệu, kết quả khoa học và công nghệ thuộc danh mục bí mật nhà nước; lừa dối, giả mạo trong hoạt động khoa học và công nghệ.

+ Cản trở hoạt động khoa học và công nghệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân

- Công trình đề nghị xét tặng giải thưởng là kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng hoặc nhận hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước phải được đăng ký, lưu giữ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định pháp luật.

3. Quy trình xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ

Việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ được tiến hành ở 03 cấp như sau:

* Cấp cơ sở:

Hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh được xem xét tại Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp cơ sở do Thủ trưởng cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý tác giả công trình thành lập.

Trong trường hợp tác giả công trình không có cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý thì Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nơi tác giả cư trú thành lập Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp cơ sở;

Đối với tác giả là người nước ngoài có công trình nghiên cứu về Việt Nam, công trình phải được một tổ chức khoa học và công nghệ công lập có lĩnh vực hoạt động chuyên môn phù hợp với lĩnh vực của công trình đề xuất xét tặng giải thưởng với Bộ, ngành, địa phương quản lý (qua cơ quan chủ quản trực tiếp, nếu có) và Bộ Khoa học và Công nghệ.

Tổ chức khoa học và công nghệ có trách nhiệm hỗ trợ tác giả công trình hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng theo quy định và thành lập Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp cơ sở sau khi có ý kiến đồng ý của cơ quan chủ quản và Bộ Khoa học và Công nghệ.

* Cấp Bộ, ngành, địa phương:

Hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh được xem xét tại Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp Bộ, ngành, địa phương do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập.

* Cấp nhà nước

Cấp nhà nước thực hiện qua hai bước:

- Bước 1: Xem xét hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh tại các Hội đồng xét tặng giải thưởng chuyên ngành cấp nhà nước do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định thành lập;

- Bước 2: Xem xét hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh tại Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Kết quả xét tặng giải thưởng được Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp nhà nước gửi Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương để tổng hợp hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, đề nghị Chủ tịch nước quyết định tặng giải thưởng.

(Điều 16 Nghị định 78/2014/NĐ-CP)

>>> Xem thêm: Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ được xét tặng và công bố vào khoảng thời gian nào?

Tiền thưởng cho tác giả có tác phẩm, công trình được tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật là bao nhiêu?

Điều kiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật được quy định như thế nào? Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật được xét trao tặng bao lâu một lần?

Thanh Rin

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,737

Bài viết về

Giải thưởng Hồ Chí Minh

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]