Vốn đối ứng là gì? 14 khoản chi phí sử dụng từ vốn đối ứng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
12/11/2022 17:36 PM

Tôi muốn biết vốn đối ứng là gì? Vốn đối ứng được sử dụng cho những khoản chi phí nào? - Như Huỳnh (Khánh Hòa)

Vốn đối ứng là gì? 14 khoản chi phí sử dụng từ vốn đối ứng

Vốn đối ứng là gì? 14 khoản chi phí sử dụng từ vốn đối ứng

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Vốn đối ứng là gì?

Theo khoản 20 Điều 3 Nghị định 114/2021/NĐ-CP, vốn đối ứng là khoản vốn đóng góp của phía Việt Nam (bằng hiện vật hoặc tiền) trong chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nhằm chuẩn bị và thực hiện chương trình, dự án, được bố trí từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, chủ dự án tự bố trí, vốn đóng góp của đối tượng thụ hưởng và các nguồn vốn hợp pháp khác.

2. Các khoản chi phí sử dụng từ vốn đối ứng

Cụ thể tại khoản 2 Điều 44  Nghị định 114/2021/NĐ-CP, vốn đối ứng được sử dụng cho các khoản chi phí sau:

(1) Chi phí hoạt động cho Ban quản lý dự án (lương, thưởng, phụ cấp, văn phòng, phương tiện làm việc, chi phí hành chính);

(2) Chi phí thẩm định thiết kế, duyệt tổng dự toán, hoàn tất các thủ tục đầu tư, xây dựng và thủ tục hành chính cần thiết khác;

(3)Chi phí liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu;

(4) Chi phí cho hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ quản lý và thực hiện chương trình, dự án;

(5) Chi phí tiếp nhận và phổ biến công nghệ, kinh nghiệm, kỹ năng quốc tế;

(6) Chi phí tuyên truyền, quảng cáo chương trình, dự án và các hoạt động cộng đồng;

(7) Chi trả các loại thuế, phí hải quan, phí bảo hiểm theo quy định hiện hành;

(8) Tiền trả lãi, tiền đặt cọc, phí cam kết và các loại phí liên quan khác phải trả cho phía nước ngoài;

(9) Chi phí tiếp nhận thiết bị và vận chuyển nội địa (nếu có);

(10) Chi phí quyết toán, thẩm tra quyết toán hoàn thành;

(11) Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;

(12) Chi phí thực hiện một số hoạt động cơ bản của chương trình, dự án (khảo sát, thiết kế kỹ thuật, thi công; xây dựng một số hạng mục công trình, mua sắm một số trang thiết bị);

(13) Chi phí cho hoạt động giám sát và đánh giá; giám sát và kiểm định chất lượng, nghiệm thu, bàn giao, quyết toán, kiểm toán chương trình, dự án;

(14) Chi phí dự phòng và các chi phí hợp lý khác.

3. Quy định về việc phân bổ vốn đối ứng cho các chương trình, dự án

Về việc phân bổ vốn đối ứng cho các chương trình, dự án được quy định cụ thể như sau:

* Đối với chương trình, dự án được cấp phát toàn bộ từ ngân sách nhà nước

Trong việc phân bổ vốn đối ứng đối với chương trình, dự án được cấp phát toàn bộ từ ngân sách nhà nước, cơ quan chủ quản có trách nhiệm như sau:

- Cân đối vốn đối ứng trong dự toán ngân sách hằng năm của cơ quan chủ quản theo phân cấp quản lý ngân sách và từ các nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật và phân định rõ theo nguồn vốn xây dựng cơ bản, hành chính sự nghiệp tương ứng với nội dung chi tiêu của chương trình, dự án;

- Bảo đảm bố trí vốn đối ứng đầy đủ, kịp thời, phù hợp với tiến độ quy định trong báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc văn kiện chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và quyết định đầu tư, phù hợp với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đối với chương trình, dự án.

* Đối với chương trình, dự án vay lại toàn bộ

- Đối với địa phương vay lại toàn bộ: vốn đối ứng do địa phương bố trí từ nguồn ngân sách địa phương;

- Đối với trường hợp doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập vay lại toàn bộ: Chủ dự án tự bố trí vốn đối ứng hoặc trình cơ quan chủ quản quyết định để bảo đảm đủ vốn đối ứng cho chương trình, dự án theo quy định trước khi ký hợp đồng vay lại.

* Đối với chương trình, dự án có cơ chế tài chính hỗn hợp (cấp phát từ ngân sách nhà nước và vay lại)

Cơ quan chủ quản, chủ dự án bố trí đủ vốn đối ứng phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan trước khi ký hợp đồng vay lại.

* Đối với chương trình, dự án thuộc diện cấp phát từ ngân sách nhà nước có thời điểm phê duyệt hoặc ký kết không trùng với kỳ lập dự toán ngân sách hàng năm, chưa được bố trí vốn đối ứng

Cơ quan chủ quản có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bổ sung vào dự toán ngân sách hằng năm.

Trường hợp thời điểm lập kế hoạch vốn đối ứng chuẩn bị thực hiện và thực hiện chương trình, dự án được xem xét tài trợ không trùng với kỳ lập kế hoạch ngân sách hằng năm, cơ quan chủ quản cân đối trong tổng vốn đã được phân bổ.

Trong trường hợp không tự cân đối được, cơ quan chủ quản có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính yêu cầu xem xét trình cấp có thẩm quyền quyết định việc tạm ứng vốn và sau đó khấu trừ vào kế hoạch năm tiếp theo.

Trong đó, định mức chi tiêu đối với các khoản chi từ nguồn vốn đối ứng thực hiện theo chế độ chi tiêu ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan.

(Khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 44 Nghị định 114/2021/NĐ-CP)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 50,181

Bài viết về

lĩnh vực Tài chính nhà nước

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn