Các biện pháp chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
12/11/2022 08:00 AM

Xin hỏi về các biện pháp chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân trước khi chấp hành xong án phạt tù? - Hoàng Tú (Vĩnh Long)

Các biện pháp chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân

Các biện pháp chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Đối tượng áp dụng biện pháp tái hòa nhập cộng đồng

Theo Điều 2 Nghị định 49/2020/NĐ-CP thì đối tượng áp dụng biện pháp tái hòa nhập cộng đồng bao gồm:

- Phạm nhân trước khi chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện tại các cơ sở giam giữ phạm nhân (gọi chung là phạm nhân); 

- Người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người chấp hành xong án phạt tù đã trở về cộng đồng (gọi chung là người chấp hành xong hình phạt tù) là người Việt Nam, người nước ngoài và người không có quốc tịch thường trú tại Việt Nam.

2. Nguyên tắc bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng

Nguyên tắc bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng theo Điều 3 Nghị định 49/2020/NĐ-CP như sau:

- Thực hiện đúng quy định của Nghị định 49/2020/NĐ-CP và các quy định của pháp luật khác có liên quan; bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật.

- Nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của phạm nhân và người chấp hành xong hình phạt tù.

3. Các biện pháp chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân

Các biện pháp chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân theo Chương II Nghị định 49/2020/NĐ-CP bao gồm:

3.1. Tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho phạm nhân

- Trong khoảng thời gian hai tháng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù hoặc sau khi có kết quả thẩm định nhất trí đề nghị đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện của cơ quan có thẩm quyền, các cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho phạm nhân.

- Tư vấn tâm lý nhằm cung cấp cho phạm nhân kiến thức, giúp họ định hướng và nâng cao khả năng tự giải quyết những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng. Nội dung tư vấn bao gồm:

+ Tư vấn tình cảm, hôn nhân, gia đình, sức khỏe; phòng, chống ma túy, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội;

+ Tư vấn xóa bỏ mặc cảm, tự ti; xây dựng ý chí, niềm tin, khả năng ứng phó, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng;

+ Tư vấn về lao động, việc làm, sử dụng các ngành nghề đã được học, bảo hiểm xã hội và các vấn đề khác có liên quan.

- Phương pháp tư vấn tâm lý cho phạm nhân:

+ Các cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức cho phạm nhân đăng ký nhu cầu tư vấn bằng phiếu nêu các nội dung cần được tư vấn hoặc chủ động phát hiện các vướng mắc cần được tư vấn của phạm nhân;

Từ đó phân công cán bộ có kinh nghiệm, hiểu biết về các lĩnh vực để tư vấn trực tiếp cho phạm nhân. Có thể tư vấn riêng cho từng phạm nhân hoặc tư vấn nhóm cho số phạm nhân có cùng nội dung tư vấn;

+ Việc tổ chức tư vấn riêng phải được thực hiện trong các phòng tư vấn, có trang bị bàn ghế làm việc và các phương tiện cần thiết phục vụ cho việc tư vấn.

- Phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù được hỗ trợ về các thủ tục pháp lý như: đăng ký cư trú; đăng ký hộ tịch; cấp căn cước công dân; vay vốn, đăng ký kinh doanh, ký kết hợp đồng lao động và các thủ tục hành chính khác theo quy định của pháp luật.

- Các cơ sở giam giữ phạm nhân có thể mời cán bộ của ngành Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Hội Luật gia, Hội Liên hiệp Thanh niên, trường đại học, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm dịch vụ việc làm, các doanh nghiệp hoặc các cơ quan chức năng khác đến tư vấn, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho phạm nhân. 

Những người thuộc cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội đến tư vấn, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho phạm nhân phải được lãnh đạo cơ quan, tổ chức đó giới thiệu đến làm việc bằng văn bản và được Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đồng ý bố trí làm việc.

3.2. Định hướng nghề nghiệp, nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm cho phạm nhân

- Các cơ sở giam giữ phạm nhân có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá năng lực, nhu cầu, điều kiện, hoàn cảnh của từng phạm nhân để hướng dẫn họ lập kế hoạch tái hòa nhập cộng đồng cho bản thân; 

Phối hợp với các Trung tâm dịch vụ việc làm cung cấp thông tin thị trường lao động, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho phạm nhân.

- Căn cứ vào khả năng, nhu cầu của phạm nhân, thị trường lao động và điều kiện cụ thể, ba tháng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù, các cơ sở giam giữ phạm nhân lập kế hoạch, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, cấp chứng chỉ nghề cho phạm nhân.

- Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được ưu tiên đào tạo nghề, nâng cao tay nghề để có điều kiện thuận lợi tái hòa nhập cộng đồng.

- Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức đào tạo nghề, nâng cao tay nghề, cấp chứng chỉ nghề cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù và liên hệ với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giới thiệu, tạo việc làm cho họ.

3.3. Hỗ trợ kinh phí từ Quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam cho phạm nhân khi tái hòa nhập cộng đồng

-  Phạm nhân hết hạn chấp hành án phạt tù, được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện trước khi trở về nơi cư trú được cấp hỗ trợ khoản tiền từ Quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam.

- Căn cứ nguồn vốn của Quỹ hòa nhập cộng đồng, Giám thị trại giam quyết định mức tiền hỗ trợ phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng phạm nhân.

3.4. Thông báo phạm nhân hết hạn chấp hành án phạt tù

- Hai tháng trước khi phạm nhân hết hạn chấp hành án phạt tù, các cơ sở giam giữ phạm nhân thực hiện việc thông báo cho Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã;

Hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người chấp hành xong án phạt tù về cư trú, làm việc theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Thi hành án hình sự 2019.

- Trường hợp thực tế phạm nhân không có nơi nương tựa, không xác định được nơi sẽ về cư trú sau khi chấp hành xong án phạt tù và thuộc diện đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội thì:

Các cơ sở giam giữ phạm nhân đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi phạm nhân chấp hành án phối hợp làm thủ tục tiếp nhận phạm nhân vào cơ sở bảo trợ xã hội của địa phương ngay sau khi họ chấp hành xong án phạt tù.

Quốc Đạt

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 10,338

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn