Bảo vật quốc gia là gì? Danh sách bảo vật quốc gia của Việt Nam

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
03/11/2022 11:00 AM

Tôi muốn biết bảo vật quốc gia là gì? Tính đến nay, Việt Nam đã có những bảo vật quốc gia nào? - Quốc Bảo (Bình Dương)

Bảo vật quốc gia là gì? Danh sách bảo vật quốc gia của Việt Nam

Bảo vật quốc gia là gì? Danh sách bảo vật quốc gia của Việt Nam

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Bảo vật quốc gia là gì?

Theo khoản 7 Điều 4 Luật Di sản văn hóa 2001 (sửa đổi 2009), bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hoá, khoa học.

Trong đó, bảo vật quốc gia được bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt và được nhà nước dành ngân sách thích đáng để mua bảo vật quốc gia.

(Khoản 1 Điều 42 Luật Di sản văn hóa 2001 (sửa đổi 2009))

2. Bảo vật quốc gia thuộc quyền sở hữu của ai?

Cụ thể tại khoản 1 Điều 43 Luật Di sản văn hóa 2001 (sửa đổi 2009), bảo vật quốc gia thuộc sở hữu nhà nước, sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội phải được quản lý trong các bảo tàng và không được mua bán, tặng cho.

Đối với bảo vật quốc gia thuộc các hình thức sở hữu khác chỉ được mua bán, trao đổi, tặng cho và để thừa kế ở trong nước theo quy định của pháp luật.

3. Danh sách bảo vật quốc gia của Việt Nam

- Danh sách bảo vật quốc gia theo Quyết định 1426/QĐ-TTg ngày 01/12/2012:

+ Trống đồng Ngọc Lũ (Văn hóa Đông Sơn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

+ Trống đồng Hoàng Hạ (Văn hóa Đông Sơn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

+ Thạp đồng Đào Thịnh (Văn hóa Đông Sơn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

+ Tượng đồng hai người cõng nhau thổi khèn (Văn hóa Đông Sơn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

……….

- Danh sách bảo vật quốc gia theo Quyết định 2599/QĐ-TTg ngày 30/12/2013:

+ Trống đồng Đền Hùng (Văn hóa Đông Sơn, hiện lưu giữ tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).

+ Trống đồng Cẩm Giang I (Văn hóa Đông Sơn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa).

+ Mộ thuyền Việt Khê (Văn hóa Đông Sơn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

+ Thạp đồng Hợp Minh (Văn hóa Đông Sơn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái).

+ Bộ khóa đai lưng bằng đồng (Văn hóa Đông Sơn, hiện lưu giữ tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).

….

- Danh sách bảo vật quốc gia theo Quyết định 53/QĐ-TTg ngày 14/01/2015:

+ Máy bay Mic 21 số hiệu 4324 (Hiện nay đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam)

+ 82 bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội (Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thành phố Hà Nội)

+ Bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh (Hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam)

+ Tượng Phật giáo thời Tây Sơn chùa Tây Phương (Hiện nay đang lưu giữ tại Chùa Tây Phương, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội)

+ Chuông Thanh Mai (Hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội)

….

- Danh sách bảo vật quốc gia theo Quyết định 2382/QĐ-TTg ngày 25/12/2015:

+ Trống đồng Cổ Loa và bộ sưu tập lưỡi cày đồng (Niên đại: Văn hóa Đông Sơn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội, thành phố Hà Nội).

+ Đôi trống đồng Lô lô (Niên đại: trống Đông Sơn nhóm D, khoảng thế kỷ V, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Giang).

+ Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ (Niên đại: năm 995, dưới thời vua Lê Đại Hành, hiện lưu giữ tại Khu di tích Lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư, thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Lịch sử - Văn hóa Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình).

+ Tượng Thần Visnu (Niên đại: thế kỷ VI, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Đồng Tháp).

+ Tượng nữ thần Laksmi (Niên đại: Thế kỷ VII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu).

……

- Danh sách bảo vật quốc gia theo Quyết định 2496/QĐ-TTg ngày 22/12/2016:

+ Ngẫu tượng Linga – Yoni (Niên đại: Thế kỷ V – VI, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp Trà Vinh)

+ Phù điêu Trà Liên 1 (Niên đại: nửa cuối Thế kỷ IX, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Trị)

+ Phù điêu Trà Liên 2 (Niên đại: nửa cuối Thế kỷ IX, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Trị)

+ Phù điêu Thần Braham (Niên đại: Thế kỷ XII - XIII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tại Bình Định)

+ Thống gốm hoa nâu (Niên đại: Thế kỷ XIII - XIV, triều Trần, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

…..

- Danh sách bảo vật quốc gia theo Quyết định 2089/QĐ-TTg ngày 25/12/2017:

+ Dao găm chuôi hình rắn ngậm chân voi (Niên đại: 2000 – 2500 năm cách ngày nay, hiện nay đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nghệ An)

+ Muôi có cán hình tượng voi (Niên đại: 2000 – 2500 năm cách ngày nay, hiện nay đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nghệ An)

+ Đàn đá Lộc Hòa (Niên đại: Khoảng gần 3000 cách ngày nay, hiện nay đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Phước)

+ Bộ khuôn đúc Nhơn Thành (Niên đại: Thế kỷ I - VII, hiện nay đang lưu giữ tại Bảo Thành phố Cần Thơ)

+ Hộp đựng xá lị Tháp Nhạn (Niên đại: Thế kỷ VII - VIII, hiện nay đang lưu giữ tại tỉnh Nghệ An)

….

- Danh sách bảo vật quốc gia theo Quyết định 1821/QĐ-TTg ngày 24/12/2018:

+ Bình gốm Đầu Rằm (Hiện nay đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh)

+ Bộ Sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh (Hiện nay đang lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi)

+ Tượng Tu sĩ Champa Phú Hưng (Hiện nay đang lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi)

+ Trống đồng Pha Long (Hiện nay đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Lào Cai)

+ Mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh (Hiện nay đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Dương)

….

Tính đến nay, Việt Nam đã có tổng cộng 164 bảo vật quốc gia (Theo Cục Di sản văn hóa công bố)

4. Các trường hợp được đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài

Bảo vật quốc gia được đưa ra nước ngoài trong các trường hợp sau:

- Phục vụ hoạt động đối ngoại của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội (sau đây gọi tắt là hoạt động đối ngoại cấp nhà nước).

- Thực hiện chương trình hợp tác quốc tế để giới thiệu, quảng bá lịch sử, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam có quy mô và ý nghĩa đặc biệt cấp quốc gia, Bộ, ngành, địa phương.

- Thực hiện kế hoạch hợp tác quốc tế về nghiên cứu hoặc bảo quản bảo vật quốc gia.

(Điều 3 Quyết định 23/2016/QĐ-TTg)

5. Quản lý hoạt động mua bán bảo vật quốc gia

Việc quản lý hoạt động mua bán bảo vật quốc gia tuân theo các quy định tại khoản 1, 2, 4 Điều 24 Nghị định 98/2010/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Nhà nước thống nhất quản lý hoạt động mua bán bảo vật quốc gia và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân kinh doanh, mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

Việc kinh doanh bảo vật quốc gia phải tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về thuế và các quy định pháp luật khác có liên quan.

- Nhà nước bảo hộ việc mua bán bảo vật quốc gia đối với những bảo vật quốc gia đã được đăng ký theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển quyền sở hữu đối với bảo vật quốc gia đã đăng ký và đăng ký đối với bảo vật quốc gia mua bán có nguồn gốc hợp pháp chưa được đăng ký.

- Nghiêm cấm mua bán trái phép bảo vật quốc gia để mang ra nước ngoài.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 15,835

Bài viết về

lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn