Điều kiện mở ngành đào tạo tiến sĩ 2022

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
04/10/2022 15:05 PM

Một cơ sở đào tạo muốn mở ngành đào tạo tiến sĩ phải đáp ứng các điều kiện gì? Trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo tiến sĩ được quy định thế nào? - Hoài Thương (Gia Lai)

Điều kiện mở ngành đào tạo tiến sĩ 2022

Điều kiện mở ngành đào tạo tiến sĩ 2022

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Điều kiện mở ngành đào tạo tiến sĩ

Cơ sở đào tạo mở ngành đào tạo tiến sĩ ngoài việc phải đáp ứng các điều kiện chung để mở ngành theo quy định tại Điều 3 Thông tư 02/20222/TT-BGDĐT còn phải các điều kiện cho toàn bộ khóa học tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo, cụ thể như sau:

(i) Có ít nhất 01 giáo sư hoặc 02 phó giáo sư và 03 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu, trong đó có một giáo sư hoặc phó giáo sư có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy đại học tối thiểu từ 03 năm trở lên (không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ của các ngành khác), chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo.

(ii) Bảo đảm về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo, giảng viên tham gia giảng dạy phải bảo đảm tiêu chuẩn của giảng viên giảng dạy trình độ tiến sĩ theo quy định tại quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo...

(iii) Bảo đảm về số lượng và tiêu chuẩn của người hướng dẫn nghiên cứu sinh theo quy định tại quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

(iv) Đã đào tạo và cấp bằng trình độ thạc sĩ ngành tương ứng, hoặc ngành phù hợp trong trường hợp ngành đào tạo ở trình độ thạc sĩ chưa có trong Danh mục thống kê ngành đào tạo.

- Cơ sở đào tạo không đáp ứng được điều kiện quy định tại mục (iv) phải thuyết minh sự đáp ứng vượt trội về các điều kiện khác so với quy định tại Thông tư 02/20222/TT-BGDĐT và so với các cơ sở đào tạo trong nước, bao gồm: đội ngũ giảng viên (số lượng, trình độ, uy tín chuyên môn); cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu;...

Bộ Giáo dục và Đào tạo xác minh, kiểm tra thực tế và xem xét, quyết định mở ngành trong trường hợp này.

(Điều 6 Thông tư 02/20222/TT-BGDĐT)

2. Trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo tiến sĩ

2.1. Xây dựng, đề xuất và phê duyệt chủ trương mở ngành đào tạo tiến sĩ

Cụ thể khoản 2 Điều 7 Thông tư 02/20222/TT-BGDĐT, nội dung xây dựng và đề xuất chủ trương về việc mở ngành gồm có:

- Về sự cần thiết đề xuất chủ trương mở ngành đào tạo: báo cáo phân tích, thuyết minh về nhu cầu đào tạo, nhu cầu sử dụng nhân lực phục vụ thị trường lao động hiện tại và hướng đến trong thời gian tới;...

- Về năng lực của cơ sở đào tạo: báo cáo phân tích, thuyết minh về năng lực hiện có của cơ sở đào tạo đối với ngành và trình độ đào tạo đề xuất mở,…

- Về mục tiêu phát triển ngành đào tạo đề xuất mở: báo cáo thuyết minh kết quả mong đợi về thời gian mở ngành đào tạo, thời gian triển khai tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, mục tiêu đào tạo,..

- Về giải pháp và lộ trình thực hiện: báo cáo thuyết minh các giải pháp và lộ trình về xây dựng đề án mở ngành đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo, nhu cầu và kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất,...

- Về phương án phòng ngừa và xử lý rủi ro: báo cáo phân tích, thuyết minh dự báo các tình huống rủi ro có thể xảy ra và các biện pháp ngăn ngừa, khắc phục;...

Hội đồng khoa học và đào tạo của cơ sở đào tạo tổ chức thẩm định và có kết luận về đề xuất chủ trương mở ngành đào tạo đã được xây dựng bảo đảm đầy đủ nội dung và chất lượng theo quy định và các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan.

Trên cơ sở chủ trương đề xuất mở ngành đào tạo đã được hội đồng khoa học và đào tạo tổ chức thẩm định và có kết luận, hiệu trưởng báo cáo trình hội đồng trường phê duyệt; giám đốc đại học báo cáo trình hội đồng đại học phê duyệt đối với ngành đào tạo có nhiều đơn vị thành viên tham gia thực hiện chương trình đào tạo.

2.2. Xây dựng đề án, chuẩn bị điều kiện mở ngành đào tạo

Trên cơ sở chủ trương mở ngành được phê duyệt, nội dung đề án mở ngành đào tạo gồm có:

- Một số thông tin cơ bản giới thiệu về cơ sở đào tạo: giới thiệu sơ lược về cơ sở đào tạo.

- Sự cần thiết mở ngành đào tạo: báo cáo khái quát các nội dung về chủ trương mở ngành đào tạo đã được phê duyệt.

- Điều kiện về chương trình đào tạo để mở ngành đào tạo: hiệu trưởng cơ sở đào tạo chỉ đạo và tổ chức xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo, bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật Giáo dục đại học 2012 (sửa đổi 2018), quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các quy định có liên quan của pháp luật hiện hành.

- Điều kiện về đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học để mở ngành đào tạo

- Điều kiện về cơ sở vật chất để mở ngành đào tạo

- Điều kiện về tổ chức bộ máy quản lý để mở ngành đào tạo

- Phương án, giải pháp đề phòng, ngăn ngừa, xử lý rủi ro trong mở ngành đào tạo

- Các minh chứng kèm theo đề án

- Hợp đồng nguyên tắc về đào tạo thực hành theo quy định của Chính phủ về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe (đối với đề án mở ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe).

- Cơ sở đào tạo quy định cụ thể việc xây dựng đề án mở ngành đào tạo, quy định việc xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ, thời gian thực hiện, dự kiến sản phẩm và tổ chức thực hiện kế hoạch,...

(Điều 8 Thông tư 02/20222/TT-BGDĐT)

2.3. Thẩm định đề án mở ngành đào tạo

Hội đồng khoa học và đào tạo tổ chức thẩm định đề án mở ngành đào tạo, trong đó hội đồng thẩm định phải xem xét, đánh giá điều kiện thực tế của cơ sở đào tạo trên cơ sở căn cứ các quy định tại Thông tư 02/20222/TT-BGDĐT, quy định của cơ sở đào tạo và các quy định của pháp luật hiện hành,..

Kết quả thẩm định đề án mở ngành đào tạo của hội đồng khoa học và đào tạo phải được thể hiện bằng biên bản thẩm định và có kết luận cụ thể về việc cơ sở đào tạo đã có đủ điều kiện để được mở ngành đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện theo quy định tại Thông tư 02/20222/TT-BGDĐT, quy định của cơ sở đào tạo và các quy định của pháp luật hiện hành.

Trong quá trình thẩm định, hội đồng khoa học và đào tạo phải kiểm tra điều kiện thực tế và kiểm tra các minh chứng cụ thể trước khi kết luận, đồng thời báo cáo hiệu trưởng cơ sở đào tạo và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả thẩm định.

Cơ sở đào tạo quy định cụ thể nguyên tắc làm việc của hội đồng khoa học và đào tạo khi tổ chức thẩm định đề án mở ngành đào tạo, quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của hội đồng và các thành viên trong hội đồng.

(Điều 9 Thông tư 02/20222/TT-BGDĐT)

3. Hồ sơ mở ngành đào tạo tiến sĩ

Theo Điều 10 Thông tư 02/20222/TT-BGDĐT, hồ sơ mở ngành đào tạo gồm có:

- Văn bản đề nghị mở ngành đào tạo: tóm tắt quá trình xây dựng đề án, báo cáo khẳng định về việc bảo đảm đủ các điều kiện theo quy định để được mở ngành đào tạo và đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định.

- Đề án mở ngành đào tạo đã được thẩm định theo quy định tại mục 2.3, bảo đảm đầy đủ các nội dung theo quy định tại mục 2.2.

- Công văn của đại học chấp thuận về mặt chủ trương (đối với các đơn vị thành viên thuộc đại học khi mở ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Sức khỏe và nhóm ngành Đào tạo giáo viên).

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,910

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]