Thủ tục thực hiện kiểm tra PCCC

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Ngọc Nhi
09/09/2022 15:05 PM

Cơ sở của tôi thuộc đối tượng kiểm tra PCCC. Xin hỏi là thủ tục thực hiện kiểm tra PCCC quy định thế nào? - Bảo Anh (Tiền Giang)

Thủ tục thực hiện kiểm tra PCCC

1. Đối tượng được thực hiện kiểm tra PCCC

Căn cứ khoản 1 Điều 16 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về đối tượng kiểm tra về PCCC như sau:

- Cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy;

- Khu dân cư, hộ gia đình, rừng, phương tiện giao thông cơ giới, hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy của đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao;

- Công trình xây dựng trong quá trình thi công thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự;

- Cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy.

2. Nội dung thực hiện kiểm tra PCCC

Tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về nội dung kiểm tra về PCCC như sau:

- Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở, khu dân cư, hộ gia đình, phương tiện giao thông cơ giới quy định tại các Điều 5, 6, 7 và Điều 8 Nghị định 136/2020/NĐ-CP;

- Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định của Nghị định 156/2018/NĐ-CP;

- Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với công trình xây dựng trong quá trình thi công: 

+ Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với công trình thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP;

+ Nội quy về phòng cháy và chữa cháy, biển chỉ dẫn thoát nạn; quy định về phân công trách nhiệm bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư, đơn vị thi công trong phạm vi thẩm quyền;

+ Chức trách, nhiệm vụ của người được phân công làm nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy;

+ Việc sử dụng hệ thống, thiết bị điện, sinh lửa, sinh nhiệt, nguồn lửa, nguồn nhiệt;

+ Trang bị phương tiện, thiết bị chữa cháy ban đầu phù hợp với tính chất, đặc điểm của công trình xây dựng;

+ Việc thực hiện trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, chủ phương tiện giao thông cơ giới, chủ hộ gia đình, chủ rừng theo quy định;

+ Điều kiện đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Điều 41 Nghị định 136/2020/NĐ-CP.

3. Thẩm quyền kiểm tra về PCCC

3.1. Thẩm quyền kiểm tra an toàn về PCCC

Kiểm tra an toàn về PCCC được tiến hành theo hình thức kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, cụ thể:

(1) Người đứng đầu cơ sở, chủ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy, chủ hộ gia đình, chủ rừng có trách nhiệm tổ chức kiểm tra thường xuyên về an toàn phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi quản lý của mình;

(2) Người đứng đầu cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo  Nghị định 136/2020/NĐ-CP có trách nhiệm kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy thường xuyên;

Định kỳ 06 tháng gửi báo cáo kết quả kiểm tra về cơ quan Công an quản lý trực tiếp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra;

(3) Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy định kỳ một năm một lần;

Kiểm tra đột xuất khi phát hiện các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 17 Nghị định 136/2020/NĐ-CP hoặc vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy mà có nguy cơ phát sinh cháy, nổ hoặc phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền đối với các cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP khu dân cư thuộc phạm vi quản lý;

(4) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra đột xuất phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền đối với các đối tượng quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 16 Nghị định 136/2020/NĐ-CP trong phạm vi quản lý của mình;

(5) Cơ quan Công an có trách nhiệm kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy định kỳ 06 tháng một lần đối với các cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục II Nghị định 136/2020/NĐ-CP;

Định kỳ một năm một lần đối với hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy của đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy và các cơ sở còn lại thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III Nghị định 136/2020/NĐ-CP;

Kiểm tra đột xuất khi phát hiện các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 136/2020/NĐ-CP hoặc vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy mà có nguy cơ phát sinh cháy, nổ hoặc phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền thuộc phạm vi quản lý; kiểm tra một năm một lần trong quá trình thi công đối với công trình xây dựng thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V Nghị định 136/2020/NĐ-CP.

3.2. Thẩm quyền kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ PCCC

Kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ PCCC được tiến hành theo hình thức kiểm tra định kỳ, đột xuất theo khoản 4 Điều 16 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, cụ thể:

Sau khi cơ sở được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy, cơ quan Công an có thẩm quyền quy định tại khoản 12 Điều 45 Nghị định 136/2020/NĐ-CP thực hiện chế độ kiểm tra định kỳ một năm một lần để xác định việc duy trì, bảo đảm các điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy của cơ sở; 

Kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm điều kiện đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy quy định tại Điều 41 Nghị định 136/2020/NĐ-CP hoặc lợi dụng hoạt động phòng cháy và chữa cháy để xâm phạm an ninh, trật tự bị cơ quan có thẩm quyền kiến nghị xử lý. Khi phát hiện vi phạm, lập biên bản (Mẫu số PC 10) và đề xuất cấp có thẩm quyền ký quyết định thu hồi (Mẫu PC35).

Mẫu số PC 10
Mẫu số PC 35

4. Thủ tục kiểm tra an toàn về PCCC

4.1. Thủ tục kiểm tra an toàn về PCCC

Bước 1: Thông báo cho đối tượng kiểm tra

Cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra tại trường hợp (3), (4) Mục 3.1 trước khi thực hiện kiểm tra định kỳ phải thông báo trước 03 ngày làm việc cho đối tượng được kiểm tra về thời gian, nội dung và thành phần đoàn kiểm tra.

Bước 2: Thực hiện kiểm tra

Khi tổ chức kiểm tra về an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở do cấp dưới quản lý thì phải thông báo cho cấp quản lý cơ sở đó biết. 

Trường hợp cần thiết thì yêu cầu cấp quản lý cơ sở đó tham gia đoàn kiểm tra, cung cấp tài liệu và tình hình liên quan đến công tác phòng cháy và chữa cháy của cơ sở được kiểm tra. Kết quả kiểm tra được thông báo cho cấp quản lý cơ sở biết;

Cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra tại trường hợp (3), (4), (5) Mục 3.1 khi thực hiện kiểm tra đột xuất phải thông báo rõ lý do kiểm tra cho đối tượng được kiểm tra. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân khi thực hiện công tác kiểm tra đột xuất phải xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan trực tiếp quản lý;

Đối tượng được kiểm tra phải chuẩn bị đầy đủ các nội dung kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đã được thông báo và bố trí người có thẩm quyền, trách nhiệm để làm việc với cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra;

4.2. Thủ tục kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ PCCC

Bước 1: Thông báo thời gian kiểm tra

Cơ quan Công an đã cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy trước khi thực hiện kiểm tra định kỳ phải thông báo trước 03 ngày làm việc cho đối tượng được kiểm tra về thời gian, nội dung và thành phần đoàn kiểm tra;

Bước 2: Thực hiện kiểm tra

Cơ quan, người có thẩm quyền khi thực hiện kiểm tra đột xuất phải thông báo rõ lý do kiểm tra cho đối tượng được kiểm tra. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân khi thực hiện công tác kiểm tra đột xuất phải xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan trực tiếp quản lý;

Đối tượng được kiểm tra phải chuẩn bị đầy đủ các nội dung kiểm tra điều kiện đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy đã được thông báo và bố trí người có thẩm quyền, trách nhiệm để làm việc với cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra;

Lưu ý: Việc kiểm tra định kỳ, đột xuất của cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại trường hợp (3), (4), (5) Mục 3.1 và Mục 3.2 phải được lập thành biên bản (Mẫu số PC 10). Trường hợp đối tượng kiểm tra không ký biên bản thì phải có xác nhận của hai người làm chứng hoặc chính quyền địa phương.

Ngọc Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 26,623

pccc,

Bài viết về

lĩnh vực Phòng cháy chữa cháy

Chính sách khác

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn