Quản tài viên là ai? 04 điều cần biết về quản tài viên

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
09/09/2022 14:30 PM

Muốn hành nghề quản tài viên thì cần phải đáp ứng các điều kiện gì theo quy định của pháp luật? - Nam Cường (Bình Định)

Quản tài viên là ai? 04 điều cần biết về quản tài viên

Quản tài viên là ai? 04 điều cần biết về quản tài viên

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Quản tài viên là ai?

Theo khoản 7 Điều 4 Luật Phá sản 2014, quản tài viên là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản.

Trong đó, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. (Khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản 2014)

2. Điều kiện hành nghề Quản tài viên

2.1. Đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên

Theo khoản 1 Điều 12 Luật Phá sản 2014, đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên bao gồm:

- Luật sư;

- Kiểm toán viên;

- Người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng và có kinh nghiệm 05 năm trở lên về lĩnh vực được đào tạo.

2.2. Điều kiện được hành nghề Quản tài viên

Cá nhân được hành nghề Quản tài viên phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Phá sản 2014 như sau:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

- Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan;

- Có chứng chỉ hành nghề Quản tài viên.

2.3. Đối tượng không được hành nghề Quản tài viên

Theo Điều 14 Luật Phá sản 2014, cá nhân không được hành nghề thuộc các đối tượng sau đây:

- Cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân.

- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

3. Quyền và nghĩa vụ của Quản tài viên

Quản tài viên có các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 16 Luật Phá sản 2014 như sau:

- Quản lý tài sản, giám sát hoạt động kinh doanh, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán

- Đại diện cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không có người đại diện theo pháp luật.

- Báo cáo về tình trạng tài sản, công nợ và hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tham gia xây dựng kế hoạch phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

- Đề nghị Thẩm phán tiến hành các công việc sau:

+ Thu thập tài liệu, chứng cứ;

+ Tuyên bố giao dịch vô hiệu và quyết định thu hồi tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị bán hoặc chuyển giao bất hợp pháp;

+ Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; áp dụng biện pháp xử phạt hành chính; chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền xử lý về hình sự theo quy định của pháp luật.

- Được hưởng thù lao và thực hiện trách nhiệm bảo hiểm nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

- Báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo yêu cầu của Thẩm phán, cơ quan thi hành án dân sự; chịu trách nhiệm trước Thẩm phán, cơ quan thi hành án dân sự và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

4. Thu hồi chứng chỉ hành nghề Quản tài viên

Cụ thể tại Điều 15 Luật Phá sản 2014, người đã được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên mà thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị thu hồi chứng chỉ hành nghề Quản tài viên:

- Là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

- Bị kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật;

- Bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư, kiểm toán viên;

- Bị thay đổi theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 46 Luật Phá sản 2014 trong hai vụ việc phá sản trở lên, cụ thể như sau:

+ Vi phạm nghĩa vụ theo quy định tại mục 3;

+ Có căn cứ chứng minh Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ;

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 15,617

Bài viết về

lĩnh vực Doanh nghiệp

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn