04 điều cần biết về di sản dùng vào việc thờ cúng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
10/05/2022 10:41 AM

Theo truyền thống của người Việt Nam thì trước khi chết, một người thường để lại một phần tài sản để thờ cúng mình và thờ cúng tổ tiên. Vậy pháp luật quy định như thế nào về di sản dùng vào việc thờ cúng.

04 điều cần biết về di sản dùng vào việc thờ cúng

04 điều cần biết về di sản dùng vào việc thờ cúng (Ảnh minh họa)

1. Quyền để lại di sản dùng vào việc thờ cúng

Theo quy định tại Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015, người lập di chúc có quyền dành một phần tài sản trong khối di sản để thờ cúng.

Như vậy, tài sản để thờ cúng chỉ xuất hiện trong thừa kế theo di chúc, còn trường hợp thừa kế theo pháp luật thì không đặt ra vấn đề tài sản để thờ cúng.

2. Trường hợp không được dành một phần di sản để thờ cúng

Theo quy định tại khoản 2 Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.

3. Có được chia thừa kế di sản dùng vào việc thờ cúng?

Khoản 1 Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 đã có quy định rõ: Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế.

4. Di sản dùng vào việc thờ cúng do ai quản lý?

Khoản 1 Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người quản lý tài sản thờ cúng như sau:

- Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng;

Nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

- Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.

- Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

Diễm My

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 35,266

Bài viết về

lĩnh vực Hôn nhân gia đình – Thừa kế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]